Nuôi tôm ở Cù Lao Dung- Bao nhiêu điện cho đủ
Từ khi có sự chuyển đổi ồ ạt từ trồng mía sang nuôi tôm ở Cù Lao Dung thì nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên gấp 5 - 6 lần; vì ngoài yếu tố thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn ngày, quay vòng vụ nuôi nhanh, mật độ thả nuôi cũng dày hơn tôm sú, nên nhu cầu sử dụng điện để chạy các hệ thống quạt sục bọt khí, tạo ô-xi cho tôm càng nhiều hơn.
Do là vùng sản xuất mía, nên phần lớn điện cung ứng cho các vùng nông thôn chỉ là hạ thế điện 1 pha phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Với sự dịch chuyển mạnh mẽ từ trồng mía sang nuôi tôm thẻ chân trắng, thì việc nâng cấp, đầu tư mới hệ thống lưới điện đang là vấn đề khó khăn cho ngành điện.
Theo chiết tính của hộ nuôi tôm, chi phí đầu tư ban đầu lắp bình biến áp phục vụ cho 1 ha nuôi tôm thẻ khoảng 130 triệu đồng, cùng 1 máy phát điện dự phòng khoảng 40 triệu đồng, nên những hộ ít đất, thiếu vốn mà chuyển sang nuôi tôm thì việc tự đầu tư lắp bình điện là điều không thể. Do mê nuôi tôm thẻ, nhiều hộ cứ đào ao thả nuôi, rồi sử dụng điện sinh hoạt để chạy mô tơ; cho nên địa phương nào có diện tích nuôi tôm tự phát nhỏ lẻ nhiều thì nguồn điện sinh hoạt nơi đó càng yếu đi.
Ông Phạm Hồng Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung đề nghị: “Trước tình hình mở mới diện tích nuôi tôm như hiện nay thì nhu cầu cung cấp điện cho vùng nuôi tôm rất lớn. Vấn đề này UBND huyện Cù Lao Dung đã kiến nghị với các ngành chức năng tỉnh cùng với huyện tiến hành khảo sát những nơi có diện tích nuôi tập trung để đầu tư nâng cấp một số trạm điện phục vụ cho sản xuất năm 2014”.
Về phía ngành điện, ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cho rằng: “Công ty đang phối hợp với UBND huyện Cù Lao Dung khảo sát những khu vực bức xúc theo thứ tự ưu tiên để đầu tư nâng cấp. Muốn làm điều đó phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xác định rõ khu vực bức xúc. Nguồn lực có hạn, trong khi nhu cầu của bà con rất lớn nên chúng tôi không thể kéo điện cho 1, 2 hộ ở xa mà phải cấp cho những vùng theo quy hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà tỉnh đã phê duyệt”.
Hiện các địa phương chưa thống kê nổi có bao nhiêu hộ sử dụng điện sinh hoạt, bao nhiêu hộ chạy máy dầu trong nuôi tôm. Sử dụng máy dầu thì chi phí cao, còn chạy mô tơ thì không đủ điện, một số hộ phải huy động vài cái đồng hộ điện của người thân xung quanh để chạy mô tơ cho vuông tôm của mình; như ao tôm của bà Trang Thị Bạch ở ấp Bình Du A, xã An Thạnh Nhì, chỉ với 1,5 công mà đã gắn đến 3 mô tơ chạy quạt. Bà Bạch cho biết: “Điện dùng cho nuôi tôm hiện nay không đủ. Tôi cũng mong muốn ngành điện hạ thế điện 3 pha để phục vụ nhu cầu của người nuôi tôm hiện nay”.
Còn những khu vực chưa có điện sinh hoạt bà con vẫn nuôi tôm bằng cách chạy máy dầu, nên chi phí cao gấp 2 - 3 lần so với sử dụng điện. Bà Từ Thị Sáu ở ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Tôi sử dụng điện câu đuôi nên chỉ gắn đèn chiếu sáng ngòai vuông. Chạy máy dầu chi phí quá cao không có lời nên tôi chỉ dám nuôi tôm sú chứ không dám nuôi tôm thẻ”.
Dù biết nông dân nuôi tôm tự phát, nhỏ lẻ, ngoài vùng quy hoạch cần điện sản xuất, nhưng do nguồn vốn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo kế hoạch năm 2014, Công ty Điện lực Sóc Trăng sẽ đầu tư 1,8 tỷ đồng ưu tiên nâng cấp, cải tạo đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp phục vụ diện tích nuôi tôm của huyện Cù Lao Dung; cùng với đó công ty sẽ cũng tăng cường việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hình thức sử dụng điện sinh hoạt không an tòan, trái với hợp đồng.
Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết: “Việc nuôi tôm tự phát sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt. Tôi xin khuyến cáo bà con là ngành điện nghiêm cấm các trường hợp kéo 1 dây ra ngoài ao, rồi đóng cọc hay cho dây xuống nước để làm dây nguội, vì trong năm 2013 đã xảy ra nhiều trường hợp điện giựt chết người, đối với những hộ này chúng tôi sẽ ngưng cung cấp điện. Còn trường hợp bà con phát sinh sử dụng đồng hồ điện sinh hoạt để chạy quạt nuôi tôm, tức là đã vi phạm hợp đồng mua bán điện ký với điện lực, sai về giá điện và sai về mục đích sử dụng điện thì điện lực sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện theo quy định của Chính phủ, nếu tái diễn thì phải ngưng cung cấp điện”.
Theo chủ trương của UBND tỉnh, khuyến cáo bà con chỉ nên nuôi tôm ở những vùng được quy hoạch, vì có hệ thống hạ tầng và điện đầy đủ. Còn nơi nào chưa có quy hoạch thì không nên nuôi, vì nuôi kiểu tự phát, nhỏ lẻ như vậy ngành điện sẽ không thể đầu tư được, nếu đầu tư cũng không mang lại hiệu quả.
Nếu cứ chuyển đổi ào ạt từ trồng mía sang nuôi tôm thì bao nhiêu điện cho đủ với diện tích nuôi tôm đang tăng lên từng ngày ở Cù Lao Dung?