TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát: Thiếu quy hoạch

Ao nuôi tôm tự phát ở thôn Kỳ Trân (xã Bình Hải). Ảnh: HỮU PHÚC Q.VIỆT - H.PHÚC - M.ĐỨC

Quy hoạch, phân vùng nuôi, bố trí hợp lý khu vực nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường… được xem là hướng phát triển bền vững của nghề nuôi tôm (TCT) trên cát tại Quảng Nam, nhưng thực tế công tác này vẫn chưa thể triển khai.

Không tập trung

Năm 2009, trước tình trạng người dân lén lút mở rộng diện tích nuôi tôm TCT, UBND tỉnh đã quyết định quy hoạch ngắn hạn (3 năm) vùng nuôi với tổng diện tích 52ha tại vùng ven biển huyện Thăng Bình (Bình Nam 5ha, Bình Hải 47ha). Có vùng nuôi tập trung, song không phải ai cũng “thiết tha” vào đó, vì sao? Theo lý giải của UBND xã Bình Hải, người dân sợ vào vùng nuôi tôm tập trung vì chỉ cần một ao nuôi xảy ra dịch bệnh, tình trạng lây lan sang các ao liền kề rất nhanh, trong khi khả năng khống chế dịch bệnh còn hạn chế. Nhiều người nuôi tôm TCT có kinh nghiệm cho biết, nuôi tôm tập trung sợ nhất là khi xảy ra dịch bệnh, các đối tượng trung gian như chim, cò, thậm chí sự “bất cẩn” của chính người nuôi cũng giúp dịch bệnh lây lan. Vì vậy, tại các vùng nuôi “tập trung tự phát” mà chúng tôi khảo sát, người nuôi giăng lưới lút đầu người trên các bờ bao phòng lây lan dịch bệnh.  

Thời gian gần đây, nhiều người quê tận Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đã đến địa phương xin thuê đất nuôi tôm. Ban đầu, họ đầu tư “hoành tráng”, nhưng chỉ sau vài vụ “ăn xổi” liền trả lại đất rồi tiếp tục tìm địa điểm mới đầu tư. Nhiều người nuôi đúc kết, nguồn nước vùng nuôi tôm TCT cực kỳ ô nhiễm, nếu không phơi hồ, kiểm soát tốt môi trường khi thả nuôi lại, dứt khoát sẽ mất mùa. Vì lẽ đó mà bây giờ, số vụ nuôi tôm trong năm đã cắt giảm tối đa. Trong khi đó, người dân có đất màu trong vườn thì không tiếc thương chặt cây để “thử vận may” một lần với con tôm, hoặc cho người khác thuê lại. Hậu quả là hiện trạng đất ven biển qua địa bàn các huyện Thăng Bình, Núi Thành đã bị biến dạng, băm nát vô tội vạ. Một cán bộ phụ trách thủy sản của huyện Thăng Bình ví von rằng, người nuôi tôm TCT bây giờ có thói quen canh tác như đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Nghĩa là chỉ sản xuất vài vụ trên đơn vị diện tích đó rồi bỏ đi, sau thời gian dài mới quay trở lại canh tác.

Cần quy hoạch

Môi trường luôn là vấn đề bức xúc trong nuôi tôm nước lợ tại Quảng Nam, nhất là nuôi tôm TCT trên cát. Ông Nguyễn Viết Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho rằng, do các diện tích nuôi không nằm trong quy hoạch của tỉnh nên việc quản lý về môi trường do nuôi tôm gây ra gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện nay, các nguồn thức ăn, thuốc, hóa chất và lượng nước để sử dụng trong quá trình nuôi tôm của các hộ dân khác nhau nên thành phần, lưu lượng nước thải cũng khác nhau. Do đó, để thiết kế hệ thống xử lý nước thải áp dụng chung cho các hộ dân thì rất khó thực hiện. Vì vậy, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các UBND huyện, thành phố ven biển tổ chức họp các cơ sở, hộ dân nuôi tôm trên cát trong vùng để hướng dẫn người dân lập thủ tục hồ sơ về môi trường theo đúng quy định và xây dựng biện pháp xử lý nước thải, tránh tình trạng ô nhiễm ở các vùng ven biển” - ông Thuận nói.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, trong khi nuôi tôm TCT tại các vùng triều ven sông liên tục thất bát, thua lỗ thì nuôi tôm TCT trên cát gặt hái thành công là gợi mở lớn cho nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, diện tích có thể xây dựng ao nuôi ở phía đông và phía tây đường Thanh niên ven biển của tỉnh còn rất lớn. Nếu có chủ trương mở rộng diện tích ao nuôi bền vững sẽ mở ra hướng cải thiện kinh tế cho người dân. UBND tỉnh nên thống nhất quy hoạch lại khu vực này, xây dựng các vùng nuôi tập trung có đầy đủ hệ thống cấp nước biển, kênh dẫn nước, hệ thống ao xử lý và thoát nước khoa học. Điều này sẽ hình thành nên các vùng nuôi tôm công nghiệp, hiện đại.

Ông Võ Văn Năm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện tại sở đang phối hợp với Viện Kinh tế & quy hoạch (Bộ NN&PTNT) cụ thể hóa các kế hoạch về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, từ việc khảo sát lại tất cả vùng nuôi tôm TCT trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng sẽ đánh giá lại toàn bộ tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ. “Phân vùng hợp lý các vùng nuôi, xây dựng các vùng tập trung nuôi tôm theo hướng công nghiệp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nuôi VietGAP là hướng phát triển nuôi thủy sản bền vững của Quảng Nam” - ông Võ Văn Năm nói./.

Q.VIỆT - H.PHÚC - M.ĐỨC Báo Quảng Nam