TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản: Tập trung phát triển các mô hình mới

Mô hình nuôi hàu thương phẩm ở TX Sông Cầu - Ảnh: ANH NGỌC ANH NGỌC

Thời gian qua, Phú Yên chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, qua đó triển khai một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc làm này chưa tạo được bước đột phá lớn.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được tỉnh quan tâm, vì đây là hướng phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Riêng lĩnh vực thủy sản có nhiều mô hình thành công, như: nuôi hàu thương phẩm, nuôi cá rô đầu vuông, nuôi ốc hương thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, sản xuất giống sò huyết, cá bớp, cá chẽm, tu hài, tôm thẻ chân trắng và nhiều mô hình khai thác, chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị gia tăng…

Ông Lê Hữu Phước ở xã An Hải, huyện Tuy An, cho biết: Năm 2014, gia đình tôi tham gia mô hình nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan trên diện tích hơn 1ha, do Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT) chuyển giao. Mặc dù trong quá trình nuôi, thời tiết và môi trường nước không thuận lợi nhưng sau 4 tháng, chúng tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng. Năm 2015, gia đình tiếp tục tham gia mô hình này trên diện tích khoảng 0,5ha. Sau 5 tháng nuôi, sò đạt trọng lượng khoảng 70 con/kg, thu hơn 300kg, bán được với giá 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 50 triệu đồng.

Theo ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, trước đây, có thời điểm nguồn sò huyến tự nhiên trong đầm Ô Loan bị cạn kiệt, nhiều năm không thấy xuất hiện. Từ khi Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản triển khai mô hình nuôi bảo vệ và phát triển nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan đến nay, sò huyết đã xuất hiện trở lại. Không những thế, đơn vị này còn hỗ trợ giống sò huyết, hàu cho ngư dân sống quanh đầm để nuôi, giúp cải thiện thu nhập. Hiện địa phương đã quy hoạch khoảng 40ha mặt nước ở khu vực đầm Ô Loan để nuôi sò huyết. Hai năm nay, nhiều hộ đã thành công với mô hình nuôi loài thủy sản này.

Kỹ sư Võ Minh Hải, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, cho biết: Ngoài việc sản xuất thành công hơn 2,1 triệu con giống sò huyết và thả nuôi tái tạo nguồn lợi ở đầm Ô Loan, trung tâm cũng đã sản xuất thử nghiệm thành công khoảng 80 vạn con giống hàu muỗng, trong đó thả khoảng 40 vạn con giống nuôi ở đầm Ô Loan, số còn lại hỗ trợ cho các hộ nuôi tại huyện Tuy An và TX Sông Cầu. Qua theo dõi, các hộ được hỗ trợ giống hàu muỗng đều nuôi thành công, đạt kết quả cao… Ngoài ra, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản còn triển khai nhiều mô hình như ương thử nghiệm cá bớp, cá chẽm, cá lăng đuôi đỏ…; đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất giống tu hài cho hàng chục hộ nuôi ở huyện Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Đến nay, nhiều trại sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã áp dụng và nhân nuôi thành công tu hài giống.

Chú trọng phát triển theo hướng bền vững

Theo Sở NN-PTNT, việc phát triển các mô hình nông nghiệp mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông lâm thủy sản, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp ở Phú Yên còn ít, chưa tạo được bước đột phá. Giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện một số địa phương trong tỉnh chậm phổ biến các mô hình hiệu quả; sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác này chưa đồng bộ...

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Phú Yên đã xây dựng đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, trong đó có đề án Tái cơ cấu ngành Thủy sản. Đề án này tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, trong đó tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục ổn định diện tích nuôi trồng khoảng trên 11.000ha, trong đó diện tích ao đìa nước lợ gần 2.200ha, diện tích mặt nước biển 1.650ha, diện tích ao đìa nước ngọt trên 188ha, diện tích sản xuất giống thủy sản 85ha và diện tích mặt nước hồ thủy điện, thủy lợi khoảng 7.000ha. Đặc biệt, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực chọn tạo và quản lý con giống thủy sản, bảo đảm 90% nhu cầu giống thủy sản sạch bệnh; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi thủy sản có chứng nhận, phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Phú Yên đang đầu tư các công trình hạ tầng đầu mối phục vụ vùng nuôi trồng tập trung và kết hợp dịch vụ thú y thủy sản, giám sát môi trường nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi liên kết với doanh nghiệp, phát triển hệ thống thu mua, kết nối với các nhà máy chế biến, chợ, siêu thị trong tỉnh và thị trường ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

ANH NGỌC Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên, 01/11/2016