Ồ ạt nuôi tôm nước lợ, lợi bất cập hại - Bài cuối
Nhiều người có tâm huyết với ngành nông nghiệp đánh giá rằng, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng nhiều hộ dân đưa tôm nước lợ vào nuôi vùng ngọt hóa là hệ quả của việc ngành nông nghiệp sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ.
Sản xuất nhỏ khó vươn ra “biển lớn”
Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã chứng kiến rất nhiều trường hợp nhà nông chặt dừa, phá bỏ cây ca cao hay nhiều loại nông sản khác khi thấy giá cả thị trường xuống thấp, hoặc không bán được. Sau đó, họ lại đổ xô chạy theo con, cây khác mang lại lợi ích cao hơn. Có thể nói, điệp khúc “trồng, chặt” đã lặp đi lặp lại như một căn bệnh trầm kha.
PGS. Vũ Trọng Khải, chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng: “Một người nông dân chỉ có vài ba công dừa, nếu giá đầu ra ổn định ở mức chấp nhận được thì họ cũng chỉ kiếm được vài triệu đồng một tháng. Thế nhưng từ vài công đất ít ỏi, họ chuyển sang ngành nghề khác, cụ thể là nuôi tôm và nếu thuận lợi, họ có thể thu được một khoản lợi nhuận lớn.
Ông Khải cho biết thêm, không chỉ cây dừa mà nhiều loại nông sản khác bị chặt bỏ đều là những mặt hàng xuất khẩu của nước ta. Trong khi nông sản do nông dân trong nước sản xuất ra nhưng lại để thương nhân nước ngoài thu gom. Người nông dân chỉ biết sản xuất, không làm chủ được đầu ra, còn doanh nghiệp lại không thể tiếp cận trực tiếp người nông dân. Vậy, để dân không tự ý chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp phải tạo ra “hai lực lượng” thực sự mạnh mẽ, gồm: doanh nghiệp có khả năng sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao và người nông dân có diện tích sản xuất lớn. “Sau 5 năm gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu nông sản còn thấp hơn trước. Tôi cho rằng, nguyên nhân là do mình không nâng cao được giá trị nông sản. Ông nông dân chỉ có vài ba công đất, doanh nghiệp chưa đầu tư được công nghệ hiện đại nên chưa tạo ra mặt hàng nông sản có giá trị cao. Thương lái trung gian là một bộ phận không thể thiếu của nền sản xuất nhỏ, manh mún. Chỉ khi người nông dân có vài đến vài chục ha, doanh nghiệp có công nghệ đủ mạnh thì họ sẽ gặp nhau trực tiếp, cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro” - PGS. Vũ Trọng Khải nhận định.
Bà Phạm Thị Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, dẫn chứng: “Hiện nay, giá dừa tăng cao do thương lái nước ngoài thu gom dừa nguyên liệu. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp trong tỉnh không đủ nguyên liệu để sản xuất. Một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng từ 15 - 20% công suất”. Theo bà Hân, trong hai năm gần đây, Trung tâm xúc tiến thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm dừa. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chế biến dừa đều có quy mô nhỏ nên khả năng xúc tiến thị trường ở xa rất hạn chế. Các thị trường như Mỹ, EU có tiềm năng rất lớn, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tiếp cận được vì không có năng lực. Đó là chưa nói đến tiêu chuẩn sản phẩm của doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu của các thị trường nhập khẩu này.
Cần giải pháp chiến lược
PGS Vũ Trọng Khải kiến nghị: “Trước mắt, chúng ta cần thành lập quỹ rủi ro trong nông nghiệp bằng nguồn ngân sách nhà nước và một phần lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng góp cho Nhà nước để hỗ trợ nông dân trong lúc khó khăn. Về lâu dài, cần có chính sách “tích tụ ruộng đất”, hình thành nên diện tích canh tác lớn. Từ đó, nông dân không dễ gì chặt bỏ dừa để nuôi tôm bởi họ có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp”.
PGS Khải cũng cho rằng, Nhà nước vẫn thiếu những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao. “Ngành nông nghiệp rất quan trọng vì liên quan đến 70% dân số nước ta, thế nhưng thực tế cho thấy vẫn thiếu chính sách hỗ trợ cho ngành này? Trong khi bất động sản còn có gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng? Hiện Nhà nước có nguồn kinh phí khuyến nông rất lớn, nếu dùng nguồn kinh phí đó và ngân hàng tham gia hỗ trợ lãi suất để đầu tư cho doanh nghiệp thì họ sẽ có điều kiện trang bị công nghệ cao phục vụ cho việc chế biến nâng cao chất lượng, giá trị nông sản” - PGS Khải nói.
Chặt dừa, phá bỏ hoa màu để nuôi tôm nước lợ trong vùng ngọt hóa là một bức tranh điển hình cho kiểu sản xuất manh mún của ngành nông nghiệp tại ĐBSCL. Hiện nay, Bộ NN&PTNT có chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và đang triển khai một số chính sách hỗ trợ cho ngành. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, những chính sách này lại được triển khai chưa đồng bộ. Do vậy, việc đánh giá cụ thể từng vùng, từng lĩnh vực để đưa ra một “gói chính sách” hỗ trợ từ sản xuất đến thương mại là rất cần thiết. “Nhà nước phải có giải pháp chiến lược trọng tâm quốc gia cho ngành nông nghiệp. Ví dụ, ở vùng Bến Tre thì ưu tiên phát triển các ngành liên quan đến sản phẩm dừa, ở Cà Mau tập trung nuôi tôm... Có như vậy thì ngành nông nghiệp mới phát triển bền vững” - PGS.Vũ Trọng Khải nhận định.