Phát hiện thêm loài ếch ở Việt Nam
Ếch âm dương là một trong số 36 loài mới mà các nhà khoa học phát hiện tại Việt Nam.
Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới vừa công bố một báo cáo về những loài sinh vật mà các nhà sinh học tìm thấy tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong năm 2011. Báo cáo cho biết, 126 loài mới đã lộ diện trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó 36 loài phân bố ở Việt Nam.
Dơi Beelzebub, một loài dơi nhỏ với mũi hình ống, là những con vật mà các nhà khoa học chỉ thấy ở Việt Nam. Chúng sống trong các rừng nhiệt đới và đang đối mặt với tương lai bất ổn bởi nạn phá rừng.
Clarias gracilentus là loài cá da trơn “biết đi” mà các nhà khoa học tại vùng suối nước ngọt tại đảo Phú Quốc. Chúng có thể dùng vây ngực để đứng thẳng và di chuyển giống như rắn.
Với đôi mắt chia thành hai nửa màu trắng và đen rõ rệt, ếch Âm Dương (Leptobrachium leucops) là một loài nổi bật khác. Chúng sống trong những khu vực rừng ẩm thường xanh và mây mù ở miền nam Việt Nam và cao nguyên Lang Bian.
Rắn độc xanh với đôi mắt màu hồng ngọc (Trimeresurus rubeus) là một trong số 21 loài bò sát được phát hiện trong năm 2011. Chúng sống tại các rừng gần thành phố Hồ Chí Minh và các khu đồi thấp ở miền nam.
“Những phát hiện mới trong năm 2011 chứng tỏ tính đa dạng sinh học đáng kinh ngạc của vùng Mekong, nhưng nhiều loài hiện đang phải đối mặt với cuộc chiến sinh tồn do những vùng sinh cảnh ngày càng bị thu hẹp. Chỉ bằng cách đầu tư vào bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt vào các khu bảo tồn và phát triển nền kinh tế xanh hơn, chúng ta mới có thể bảo vệ được những loài mới được phát hiện và hy vọng còn tìm thấy nhiều loài khác trong tương lai”, Ông Nick Cox, quản lý Chương trình Loài của WWF tại Tiểu vùng Mekong mở rộng, phát biểu.