Phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa - tôm
Từ việc phá thế độc canh cây lúa, mô hình sản xuất lúa - tôm đã khẳng định được tính bền vững và có khả năng thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu. Với tổng diện tích sản xuất đến nay vượt hơn 33.740ha (chiếm khoảng 25% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh), mô hình này được đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả và cần nhân rộng trong thời gian tới.
Với quy trình sản xuất bắt đầu thả tôm giống từ tháng 2 đến tháng 3 và kết thúc sản xuất vào tháng 7, trung bình nuôi 2 vụ/năm, năng suất từ 200 - 350kg/năm và cho lợi nhuận khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha/năm, mô hình sản xuất lúa - tôm đã và đang được nhân rộng ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.
Ngoài thu lợi trực tiếp từ cây lúa và con tôm, mô hình còn sản xuất kết hợp với nhiều loại thủy sản khác như tôm - lúa - cá. Trong đó, tôm càng xanh và cua biển mang lại lợi nhuận khá cao. Chỉ tính riêng con tôm càng, với mật độ nuôi thêm từ 1 - 2 con/m2, giống được thả ương trước khi sạ lúa từ 1 - 1,5 tháng, năng suất tôm càng thu được 100 - 150kg/ha/năm, lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha/năm. Hay khi thả nuôi thêm cua biển cũng cho năng suất từ 50 - 70kg/ha/năm, lợi nhuận mang lại từ 7 - 10 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên các bờ liếp vuông tôm cũng có thể trồng thêm các loại cây màu như bầu, bí và một số loại rau giúp tăng thêm thu nhập. Qua đó cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm đã chứng minh được tính hiệu quả trong thích ứng và làm tăng thêm giá trị kinh tế thông qua phát triển đa con, đa cây.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, năng suất mô hình lúa - tôm vẫn còn đạt thấp, giá trị tài nguyên đất vẫn chưa được khai thác triệt để và giá trị tăng thêm mang lại không nhiều. Đó là do việc thả nuôi với mật độ thưa, nông dân vẫn còn quen với tập quán sản xuất cũ, chưa đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất làm tăng năng suất, chất lượng...
Theo kế hoạch phát triển diện tích sản xuất lúa - tôm, Bạc Liêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 đạt từ 35.000 - 40.000ha và định hướng đến năm 2030 là 43.000ha. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với tổ chức và làm tốt công tác vận hành, điều tiết nước, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng thủy lợi (hệ thống kênh cấp II, cấp III, trạm bơm nước, hệ thống giao thông...) phục vụ phát triển lúa - tôm theo hướng khép kín nhằm chủ động cấp, thoát nước và trữ mặn, giữ ngọt một cách linh hoạt.
Cùng với đó là tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ và định hướng phát triển mô hình sản xuất lúa - tôm là mô hình sản xuất nông sản sạch, đạt chất lượng và chứng nhận VietGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu cho cây lúa và con tôm từ mô hình sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, xây dựng quy trình canh tác lúa - tôm, tiến đến xác lập các quy chuẩn cho vùng canh tác để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Nghiên cứu, cải thiện các tác động của thủy triều và xâm nhập mặn, sự thoái hóa đất, nhiễm mặn. Đồng thời nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng các giống lúa chất lượng, giống lúa ngắn ngày phù hợp với chịu mặn, chịu phèn tốt, có khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao, nhất là giống lúa có độ mặn trên 5‰. Cũng như cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất con giống nhằm chọn ra các giống thủy sản có sức đề kháng cao với dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Song song đó, đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã vùng tôm - lúa gắn với cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa - tôm, hướng đến khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phát triển mô hình theo hướng cộng đồng. Liên kết giữa nông dân sản xuất lúa - tôm với doanh nghiệp cung cấp con giống, vật tư sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ hàng nông sản. Qua đó góp phần giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận và hướng đến sản xuất bền vững, hiệu quả.