Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Ngày 16/8/2013, tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, mục tiêu chung của Quy hoạch tổng thể là ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa vào năm 2020, hiện đại hóa vào năm 2030 và tiếp tục phát triển toàn diện, hiệu quả bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của nông, ngư dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Cụ thể, đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản khoảng 7,0 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản chiếm khoảng 35%; sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 65%; Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 11 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7 -8%/năm (giai đoạn 2011 - 2020); Tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng xuất khẩu đạt 50%; Khoảng 50% số lao động thủy sản được đào tạo, tập huấn; Thu nhập bình quân đầu người của lao động cao gấp 3 lần hiện nay; Giảm tổn thất sau thu hoạch sản phẩm khai thác hải sản từ trên 20% hiện nay xuống dưới 10%.
Đến năm 2030, định hướng đạt tổng sản lượng thủy sản khoảng 9,0 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản chiếm khoảng 30%; sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 70%; Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 20 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6 -7%/năm (giai đoạn 2020 - 2030); Tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng xuất khẩu đạt 60%; Khoảng 80% số lao động thủy sản được đào tạo, tập huấn.
Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đã nêu rõ những định hướng phát triển cho các lĩnh vực. Về khai thác thủy sản, tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển, gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đổi mới các hình thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Về nuôi trồng thủy sản, phát triển theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp đối với các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực, phù hợp tiềm năng và thế mạnh của từng vùng và yêu cầu của thị trường; đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Quy hoạch cũng nêu rõ định hướng phát triển cụ thể theo các vùng sinh thái. Về chế biến và thương mại thủy sản, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ với sản xuất nguyên liệu; ưu tiên phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng; xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; đồng thời khôi phục và phát triển các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống, trong đó chú trọng đến cơ cấu thị trường, cơ cấu các nhóm sản phẩm chủ lực và phát triển chế biến nội địa. Đến năm 2020, các đối tượng như tôm, cá tra và nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) đông lạnh vẫn là nhóm sản phẩm quan trọng, chiếm trên 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản, hình thành 6 Trung tâm nghề cá lớn, trong đó có 5 Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm : 1/Trung tâm nghề cá Hải Phòng, gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; 2/Trung tâm nghề cá Đà Nẵng, gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; 3/Trung tâm nghề cá Khánh Hòa, gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; 4/Trung tâm nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu, gắn với ngư trường Đông Nam bộ; 5/Trung tâm nghề cá Kiên Giang, gắn với ngư trường Tây Nam bộ; 6/Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ, gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch tổng thể đã nêu một số giải pháp chủ yếu về thị trường, khoa học công nghệ và khuyến ngư; bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, giả pháp về tổ chức và quản lý sản xuất cùng các giải pháp về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư và tín dụng, sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Hoàn thiện mô hình bộ máy quản lý chuyên ngành thủy sản từ Trung ương đến các địa phương, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ, công chức và tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan quản lý nhà nước. Tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật quản lý thủy sản và hướng dẫn thực thi pháp luật thủy sản. Tổ chức quản lý quy hoạch thủy sản, gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch trong ngành nông nghiệp và các ngành khác, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch du lịch, quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp... bảo đảm phát triển bền vững hài hòa lợi ích của các lĩnh vực, các ngành trong nền kinh tế.
Quy hoạch tổng thể đã nhấn mạnh đến việc thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực thủy sản bao gồm đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu, với các nhà chế biến, thương nhân, các nhà đầu tư, tín dụng... theo chuỗi giá trị của sản phẩm, với sự tham gia quản lý, tổ chức của cộng đồng, của các Hội, Hiệp hội. Trong lĩnh vực khai thác, tổ chức sản xuất trên cơ sở các loại hình kinh tế hợp tác như tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình liên kết, liên doanh giữa ngư dân với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác. Phát triển các mô hình quản lý cộng đồng. Đối với nuôi trồng các đối tượng thủy sản truyền thống, mô hình tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình. Đối với nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực, quy mô công nghiệp, chú trọng phát triển mô hình tổ chức sản xuất trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các hình thức liên kết khác. Trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu, tổ chức các mô hình sản xuất gắn chế biến với các vùng sản xuất nguyên liệu, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư, trước hết tập trung đầu tư hình thành và tổ chức hoạt động các trung tâm nghề cá lớn, tạo sức hút, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiệu quả và bền vững.
Trong triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai Quy hoạch tổng thể, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quy hoạch trên phạm vi toàn quốc, kịp thời để xuất các giải pháp nâng cao tính khả thi, hiệu quả của Quy hoạch.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký