Phòng, chống nghiêm ngặt dịch bệnh trên tôm
Năm 2012, bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy trở thành dịch bệnh trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Cả nước có 19 tỉnh nuôi tôm bị bệnh đốm trắng và 19 tỉnh nuôi tôm bị hội chứng hoại tử gan tụy. Năm 2013, cả nước tiếp tục phòng, chống hai loại dịch bệnh này trên tôm.
Đâu là căn nguyên ?
Bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm xảy ra nhiều nhất ở tỉnh Sóc Trăng với tổng diện tích gần 6.400ha bị bệnh đốm trắng và 13.904ha bị hội chứng hoại tử gan tụy. Tại Bến Tre có 776,1ha tôm bị bệnh đốm trắng (đứng hàng thứ 2 sau Sóc Trăng).
Đối với bệnh đốm trắng, diện tích bị bệnh có xu hướng tăng mạnh từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 7-2012, cả nước có gần 2.000ha tôm bị bệnh chủ yếu là tôm (sú và chân trắng).
Còn hội chứng hoại tử gan tụy, tôm sú bệnh nhiều hơn tôm chân trắng đến 7,6 lần.
Ngoài hai chứng bệnh nêu trên, tôm (sú và chân trắng) còn mắc những bệnh khác: bệnh đục cơ (IMNV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHHNV) và bệnh đầu vàng (YHV).
Theo Cục Thú y, tổng diện tích tôm bị thiệt hại cả nước trong năm 2012 gần 74.000ha (năm 2011 thiệt hại gần 14.100ha). Nguyên nhân gây thiệt hại gồm: thời tiết biến đổi bất thường, chất lượng môi trường nuôi chưa tốt dẫn đến điều kiện sống bất lợi đối với hai loại tôm nêu trên; nuôi tôm không theo lịch thời vụ khuyến cáo, thả nuôi quanh năm; sử dụng hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học còn tùy tiện, chưa được kiểm soát chặt chẽ; chất lượng con giống chưa bảo đảm; ý thức phòng, chống dịch bệnh chưa cao, năng lực giám sát, cảnh báo, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của cán bộ thú y thủy sản còn hạn chế.
Năm 2012, Bến Tre thả nuôi với diện tích nuôi tôm sú và tôm chân trắng (thâm canh, bán thâm canh) được gần 2.400ha, chiếm 30% diện tích thả nuôi. Tôm chết nhiều ở giai đoạn 20 - 35 ngày tuổi, nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô dưới vỏ (IHHNV). Nguyên nhân gây thiệt hại cho vùng nuôi tôm là: Kết cấu hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi thủy sản, chủ yếu là hệ thống kênh cấp, thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ. Vẫn còn một số trường hợp tôm bị bệnh chết, người nuôi lén lút xả nước trong ao bệnh ra bên ngoài khi chưa xử lý. Từ đó, dịch bệnh lây lan trên diện rộng rất nhanh. “Hệ thống xử lý nước thải của một số cơ sở nuôi tôm chưa đúng quy trình. Môi trường nước trong ao nuôi không đảm bảo cho quá trình sinh trưởng của tôm. Đây cũng là những nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt trong năm 2012” – ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) tỉnh cho biết thêm.
* Phòng, chống dịch bệnh một cách nghiêm ngặt
Để kéo giảm dịch bệnh trên tôm (sú và chân trắng) trong năm 2013, Cục Thú y đã có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm đến 30 tỉnh, thành có nuôi tôm. Theo đó, Cục Thú y tiếp tục triển khai Dự án TCP/VIE/3304 (E), tập trung nhiệm vụ xác định nguyên nhân gây hoại tử gan tụy ở tôm. Cục sẽ xây dựng sổ tay hướng dẫn đánh giá, chứng nhận cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh, đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai mạnh hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Cục Thú y sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và giám sát dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi, đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, chủ động trên các đối tượng nuôi, đặc biệt là tôm (sú và chân trắng); yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo giám sát dịch bệnh thủy sản theo quy định; tập huấn về điều tra dịch tễ và xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh thủy sản... Cục sẽ cùng với các địa phương có nuôi tôm rà soát, kịp thời xây dựng các văn bản, hướng dẫn đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nuôi tôm. Hướng dẫn các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục để đánh giá, công nhận năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản.
Ở Bến Tre, năm 2013, chỉ tiêu toàn tỉnh nuôi thủy sản là gần 44.000ha, trong đó nuôi tôm (sú và chân trắng) 5.200ha. Để kéo giảm đến mức thấp nhất dịch bệnh trên tôm nuôi, Sở NN & PTNT đã để ra các giải pháp tập trung thực hiện. Theo đó, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức của người nuôi tôm; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ; đầu tư cơ sở hạ tầng; quản lý chặt chẽ môi trường, dịch bệnh và lịch thời vụ; tổ chức sản xuất theo hướng mới. Nếu cần thiết sẽ có biện pháp mạnh đối với những trường hợp xả nước thải trong ao tôm có mầm bệnh ra bên ngoài khi chưa xử lý. Liên kết với các trường, viện để chuyển giao, nhân rộng các quy trình sản xuất tôm biển đến từng hộ dân. Phát triển mạnh hình thức quản lý cộng đồng thông qua hoạt động của ban quản lý vùng nuôi. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP và VietGAP vào nuôi tôm thâm canh.
Tại hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh tôm năm 2012 và triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2013 do Bộ NN & PTNT và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức vào 12-12-2012, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN & PTNN chỉ đạo: “Năm 2013, lãnh đạo ngành nông nghiệp của 30 tỉnh, thành nuôi tôm phải quản lý chặt chẽ hơn về dịch bệnh, cần có biện pháp nhanh trong việc khống chế bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm. Từng bước nuôi tôm theo hướng sinh học. Khuyến khích các chuyên gia giỏi hỗ trợ cho người nuôi tôm. Phải đầu tư ít mà có lợi nhuận cao mới là mục tiêu chính cho người nuôi tôm”.
Sở NN & PTNT tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ NN & PTNT
Chỉ đạo các vụ, cục, viện, trường trực thuộc Bộ hỗ trợ Bến Tre trong việc tìm nguyên nhân gây tôm chết và đề xuất những giải pháp hiệu quả nhất. |