Quản lý nghề khai thác cá ngừ ven bờ bền vững trong khu vực Đông Nam Á
Từ ngày 8 – 10/10/2013, tại tỉnh Songkla, Thái Lan Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) tổ chức cuộc họp về phương hướng hợp tác, phát triển và quản lý nghề khai thác cá ngừ ven bờ bền vững trong khu vực.
Tham gia cuộc họp có đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Châu Á Thái Bình Dương (FAORAP), Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, các nước thành viên (Thái Lan, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xia, Căm-pu-chia,My-an-ma, Việt Nam), Tổ chức Hợp tác Phát triển Thụy Điển (SIDA), Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Đan Mạch (WWF-Denmark), hiệp hội các ngừ Thái Lan và các chuyên gia quản lý nghề cá, nghiên cứu nguồn lợi trong khu vực.
Cuộc họp được chia thành 9 phiên, trong đó, phiên 2 giới thiệu về các thông tin hiện trạng của nghề cá ngừ ven bờ trong khu vực và đưa ra các mục tiêu, đầu ra dự kiến của cuộc họp này. Phiên 3 tập trung vào việc trình bày các hiện trạng nghề cá, xuất nhập khẩu và chế biến cá ngừ ven bờ trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên có bài trình bày giới thiệu về nghề cá này (Căm-pu-chia, In-đô-nê-xia, Ma-lay-xia, My-an-ma, Phi-lip-pine, Thái Lan và Việt Nam). Tiếp đó, một số bài trình bày, nghiên cứu thí điểm về hiện trạng và nghề cá ngừ ven bờ ở biển Vịnh Thái Lan, Biển Đông.
Cuộc họp đã chia 3 nhóm thảo luận về các vấn đề hiện nay, định hướng phát triển hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực đối với công tác nghiên cứu, thu thập số liệu/thông tin, quản lý nghề cá ngừ ven bờ theo hướng sử dụng nguồn lợi bền vững. Một số đầu ra của cuộc họp bao gồm sự đồng thuận về việc thành lập nhóm công tác cá ngừ ở mỗi quốc gia (Tuna working group), xây dựng một kế hoạch hành động khu vực (RPOA) về quản lý nghề cá ngừ ven bờ và khung kế hoạch trong thời gian 5 năm tới, hoạt động nâng cao năng lực (Capacity building) cho các nước thành viên về quản lý nghề cá ngừ ven bờ. SEAFDEC sẽ là đơn vị điều phối các hoạt động hợp tác, phát triển đối với quản lý nghề khai thác cá ngừ ven bờ.
Liên quan đến các đề xuất của phía Việt Nam trong cuộc họp nhằm đảm bảo sự phát triển nghề khai thác cá ngừ ven bờ bền vững ở Việt nam bao gồm các vấn đề ưu tiên sau:
· Tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu hiện trạng thành phần loài, cấu trúc nguồn lợi, phân bố, trữ lượng nguồn lợi cá ngừ ven bờ ở biển Việt Nam;
· Nghiên cứu đặc điểm sinh học (thành phần chiều dài, sinh trưởng, mùa vụ sinh sản, bải đẻ - bãi ương nuôi, dinh dưỡng, di cư, di truyền quần thể, lượng bổ sung …) của cá ngừ ven bờ ở biển Việt Nam;
· Thúc đẩy các nghiên cứu giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ ven bờ ở biển Việt Nam;
· Cải thiện công tác nghiên cứu dự báo ngư trường khai thác cá ngừ ven bờ ở biển Việt Nam;
· Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý nghề cá ngừ ven bờ (NPOA);
· Điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng năng lực và cường lực khai thác cá ngừ ven bờ ở biển Việt Nam;
· Tăng cường hoạt động thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nghề khai thác cá ngừ ven bờ ở biển Việt Nam;
· Thúc đẩy hoạt động khai thác cá ngừ ven bờ có trách nhiệm ;
· Tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và áp dụng thực hành tốt nhằm giảm thiểu tổn thất về nguồn lợi;
· Nâng cao năng lực, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch;
· Tăng cường đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá;
· Thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế và khu vực, trao đổi kinh nghiệm quản lý, điều tra, đánh giá nguồn lợi và chia sẻ thông tin về nghề khai thác cá ngừ ven bờ.
Thông qua cuộc họp này, các vấn đề đang đối mặt trong quản lý nghề khai thác cá ngừ ven bờ và những định hướng, giải pháp đối với quản lý nghề cá bền vững đã được SEAFDEC và các nước thành viên thông qua dự thảo lần thứ nhất tại Songkla, Thái Lan.