Quảng Ninh: Bất cập nguồn cung con giống
Trong nuôi trồng thuỷ sản, con giống tốt đóng vai trò quyết định đến 50% sự thành công của vụ nuôi, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất, cung ứng giống thuỷ sản tại chỗ còn quá nhỏ bé, khi mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản của các cơ sở còn nhiều điều đáng bàn.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 18 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản (5 cơ sở chuyên sản xuất giống nước mặn lợ; 3 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh giống nước ngọt); trên 20 cơ sở ương dưỡng, dịch vụ giống thuỷ sản quy mô hộ gia đình.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Sở NN&PTNT đối với 13 doanh nghiệp trong tháng 5 vừa qua cho thấy, chỉ có một số ít doanh nghiệp có ý thức chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật nói chung cũng như các quy định về sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản nói riêng, như: Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Hàn, HTX Sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản Bắc Việt, Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh, doanh nghiệp tư nhân Phương Anh. Còn lại, việc tuân thủ các quy định pháp luật ở nhiều doanh nghiệp vẫn mang tính hình thức, như doanh nghiệp tư nhân Tuyến Dương (tổ 2, khu Hồng Hà, phường Phương Nam, TP Uông Bí).
Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đang tiến hành ương giống cá rô phi đơn tính, nhưng thiếu tới 5 điều kiện: Chưa có hợp đồng nhân viên kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản trình độ đại học trở lên theo quy định; chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thuỷ sản; chưa thực hiện việc ghi nhãn giống thuỷ sản khi lưu thông; chưa thực hiện ghi chép sổ sách, ghi hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản; không có hệ thống xử lý nước thải. Hay đối với Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tôm giống Tuần Châu (tổ 20, khu 4, phường Tuần Châu, TP Uông Bí); Công ty TNHH Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Minh Tuyết (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà); cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể của ông Đặng Văn Doanh (tổ 9, khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long)..., những cơ sở này thiếu những điều kiện cơ bản: Không trang bị bảo hộ lao động, không thực hiện ghi hồ sơ theo dõi quá trình ương dưỡng tôm giống, không có khu cách ly riêng biệt, không có hệ thống xử lý nước thải.
Theo quy định của Chính phủ (Nghị định số 66/2016/NĐ-CP), con giống thuỷ sản là một loại hàng hoá đặc thù, người sản xuất phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản. Việc chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng giống, không thực hiện ghi nhãn giống thuỷ sản khi lưu thông, không thực hiện ghi hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất sẽ làm nảy sinh một loạt các vấn đề bất cập cho cơ quan quản lý nhà nước và người nuôi, như khó truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ, lô giống chưa được kiểm dịch, không có thông tin chính xác về việc lô giống được sản xuất ngày nào, lô hàng số bao nhiêu, chủng loại gì, tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, thời hạn sử dụng...
Việc thiếu những thông tin cơ bản và quan trọng này sẽ khiến cho người nuôi chịu nhiều rủi ro, đồng thời không tiến hành kê khai được sản xuất ban đầu. Nếu trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, chắc chắn người nuôi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hỗ trợ thiệt hại. Chưa kể việc thiếu hệ thống xử lý nước thải, không có khu cách ly riêng biệt sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và tiềm ẩn nguồn lây lan dịch bệnh.
Như vậy, để người nuôi tiếp cận được với nguồn giống tốt, đảm bảo đàn giống khoẻ, không dịch bệnh, tỉnh cần siết chặt việc quản lý, xử lý các cơ sở sản xuất giống không thực hiện đủ, đúng các tiêu chuẩn theo quy định. Đối với những cơ sở thường xuyên đối phó, chây ỳ, cần yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại và khi nào đáp ứng đủ các điều kiện mới cho tiếp tục sản xuất.