TIN THỦY SẢN

Quảng Ninh: Hiệu quả từ công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Theo đánh giá của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Quảng Ninh, thời gian gần đây số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tuy có giảm nhưng ngược lại, mức độ vi phạm của các đối tượng lại tinh vi và khó lường hơn.

Trên vịnh Hạ Long (Quang Hưng - Tepbac.com)

Hàng năm, ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ vi phạm các quy định về quản lý, khai thác thuỷ sản, trong đó có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng như sử dụng xung điện, công cụ kích điện, chất nổ, hoá chất mang tính huỷ diệt trong khai thác gây tác động lớn tới việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Để tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động vi phạm các quy định về khai thác thuỷ sản, nhất là hoạt động khai thác thuỷ sản sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hoá chất hoặc chất độc, các nghề sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ.

Từ tháng 1-2011 đến hết tháng 5-2012 đã xử phạt 335 vụ vi phạm (trong đó có 63 vụ sử dụng kích điện để khai thác thuỷ sản; 1 vụ sử dụng chất nổ; 1 vụ khai thác san hô; 3 vụ khai thác thuỷ sản bằng nghề lặn; 267 vụ vi phạm về giấy tờ phương tiện, chứng chỉ và các hành vi khác) thu phạt nộp ngân sách 310.250.000 đồng.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tiếp xúc và tuyên truyền trực tiếp 5.000 tờ rơi về công tác bảo vệ nguồn lợi và khai thác hợp lý nguồn lợi thuỷ sản và an toàn tàu cá cho khoảng 2.500 chủ phương tiện hoạt động khai thác trên biển. Hoạt động này đã góp phần làm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực hoạt động thuỷ sản của người dân.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý những vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục đã đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các dự án, chuyên đề về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Từ đầu năm 2011, Chi cục đã triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật. Dự án được triển khai đã cung cấp cho ngành một khối lượng thông tin quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành cũng như triển khai thực hiện các quyết định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thuỷ sản.

Dự án bắt đầu triển khai từ 2011 và sẽ kết thúc vào năm  2015. Nội dung của dự án thu thập các số liệu từ các kết quả của các chương trình đề tài nghiên cứu điều tra khảo sát nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật, kết hợp với điều tra nghiên cứu bổ sung, tổng hợp và hệ thống hoá thông tin dữ liệu về nguồn lợi (số loài thuỷ sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao và các đối tượng khai thác chính của nghề cá) và môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật ở vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với đó, hiện nay, Chi cục đang thực hiện chuyên đề Phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản và môi trường khu vực xã Minh Châu, huyện Vân Đồn với mục tiêu: Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực xã Minh Châu - Vân Đồn; tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo, duy trì và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hệ sinh thái rạn san hô.

Theo thống kê của ngành chức năng, vùng biển Quảng Ninh hiện đã thống kê được hơn 200 loài cá thuộc nhóm cá sống gắn bó vòng đời trong rạn san hô. Ngoài nguồn lợi cá rạn phong phú, rạn san hô ở đây còn cung cấp cho con người nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm...

Một số nghiên cứu đã chỉ ra nhiều nhóm sinh vật có hoạt tính sinh học hoặc độc tố có giá trị dược liệu đã được tìm thấy trong các rạn san hô. Khi chuyên đề này được thực hiện thành công sẽ góp phần quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo các rạn san hô, làm nổi bật tính đa dạng sinh học nơi đây.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn gặp không ít khó khăn. Trước hết, do nguồn lợi thuỷ sản ngày một suy giảm để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm người dân khai thác thuỷ sản bằng mọi cách, khai thác cả những loài thuỷ sản có kích thước nhỏ, những con cái đang mang trứng... làm suy giảm lượng thuỷ sản tham gia tái tạo nguồn lợi dẫn đến nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt. Quá trình lấn biển làm suy giảm một số hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển...

Hoạt động này đã khiến nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt do đất đá vùi lấp, nhiều loài bị mất nơi cư trú, mất nguồn thức ăn, mất nơi sinh sản nên một lượng lớn cá thể bị chết, kéo theo các chuỗi dinh dưỡng trong các hệ sinh thái bị xáo trộn, các hệ sinh thái có xu hướng thiết lập lại cân bằng mới để phù hợp với điều kiện môi trường hiện tại, tuy nhiên, một số loài nhạy cảm không thể thích ứng được sẽ bị tuyệt chủng, còn một số loài khác có giới hạn sinh thái thích ứng với điều kiện môi trường sẽ phát triển quá mức lấn át các loài khác. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến suy giảm đa dạng loài và nguồn gen trong các hệ sinh thái.

Hiện nay Quảng Ninh đang là một trong số những địa phương có số lượng tàu thuyền hoạt động khai thác thuỷ sản lớn nhất trong cả nước nhưng lại là một trong số những địa phương có nhiều tàu thuyền công suất nhỏ. Trong số hơn 13.000 tàu cá lắp máy thì có tới trên 10.000 phương tiện công suất dưới 20CV hoạt động khai thác khu vực gần bờ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho nguồn lợi thuỷ sản bị suy giảm nhanh chóng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, còn phải kể đến các vụ vi phạm các quy định về khai thác.

Đối với các tàu khai thác kéo đáy, nghề te xiệp, xăm bãi hoạt động ven bờ, để tăng sản lượng khai thác, ngư dân đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ, tăng cường độ khai thác.

Thậm chí vẫn còn có nơi, có chỗ người dân vẫn sử dụng chất nổ, hoá chất độc hại, xung điện và dùng các loại đăng, đó để khai thác vào mùa vụ sinh sản, giai đoạn còn nhỏ của các loài thuỷ sản dẫn đến một số loài có nguy cơ cạn kiệt. Tình trạng vẫn tồn tại phổ biến các nghề kéo giã cá đáy phá vỡ các rạn san hô và làm ô nhiễm môi trường sinh thái biển.

Báo Quảng Ninh