TIN THỦY SẢN

Quảng Ninh: Săn sá sùng trên biển Mũi Ngọc

Quang Hưng

Tùy theo con nước, trên khu bãi dài của biển Mũi Ngọc, thành phố Móng Cái hàng ngày có tới hàng trăm người dân phường Hải Hòa, xã Hải Xuân, thành phố Móng Cái ra biển săn bắt sá sùng.

Với giá bán tại bến 120.000 - 200.000 đồng/kg, người dân đi bắt sá sùng luôn có thu nhập ổn định. (Ảnh: fistenet.gov.vn)

Thời điểm săn sá sùng chủ yếu là vào ban ngày trong những ngày nước cạn từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Những ngày khác, sá sùng vẫn có nhưng ít hơn. Đây là nghề mà “biển cho của” và cũng là nghề truyền thống đối với người dân các xã, phường của thành phố Móng Cái.

Trong buổi sáng, mỗi người kiếm được từ 0,2 - 0,4 kg sá sùng, trong khi đó 1 kg sá sùng tươi có giá tới 150.000 - 200.000 đồng, sá sùng sấy khô có giá 3 - 4 triệu đồng/kg, bình quân mỗi người dân đi đào sá sùng cũng kiếm được 120.000 - 200.000 đồng/ngày.

Trung úy Hoàng Minh Tuấn, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Mũi Ngọc, Đồn biên phòng số 3, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh, cho biết: “Hàng ngày họ ra biển từ 5 giờ và trở vào bờ khoảng 15 giờ. Nhờ sá sùng mà nhiều gia đình có thu nhập ổn định hơn làm nông nghiệp nên bà con các huyện trong tỉnh thường ra đây thuê nhà săn sá sùng bán cho các thương lái mua tại bến”.

Theo chân anh Châu, thợ săn sá sùng có tiếng ở vùng biển Mũi Ngọc, chúng tôi được nghe anh kể: Sá sùng thường ẩn mình trong các đường hang tự đào trong cát, khi kiếm ăn chúng chui lên bề mặt bãi cát, thò các xúc tu dài để tìm kiếm thức ăn xung quanh miệng hang và sẽ chui xuống cát rất nhanh khi có tiếng động. Khi kiếm ăn trên bãi cát, sá sùng thường để lại dấu vết như nét vẽ một bông hoa trông như miệng chén uống nước, đồng thời đối diện với bông hoa đó chừng 15 - 20 cm có một lỗ nhỏ gọi là “mà”.

Để tóm được sá sùng, anh Châu phải nhanh tay đưa lưỡi mai đào từ mà về phía bông hoa. Nhưng để tìm ra mà và đào được sá sùng là cả một... nghệ thuật. “Phát hiện chỗ có sá sùng đang ẩn mình dưới cát đã khó, đào được sá sùng lên khỏi mặt đất không bị đứt, sứt mẻ còn khó hơn. Người "mới vào nghề" do non kinh nghiệm rất hay đào đứt thân sá sùng. Mà sá sùng đã đứt, bị thương hoặc chết thì chẳng thể nào bán được. Có cho cũng chẳng ai lấy vì nó bị bẩn vào thịt và mất đi vị ngon ngọt độc đáo”, anh Châu cho hay.

Nghề bắt sá sùng cho thu nhập cao nên có rất đông người dân các huyện Hải Hà, Tiên Yên, Hoành Bồ... tỉnh Quảng Ninh đã ra phường Bình Ngọc thuê nhà để bắt sá sùng. Anh Nguyễn Văn Hải, huyện Hoành Bồ, cho biết: “Tranh thủ thời gian nông nhàn, công việc đồng áng xong xuôi, tôi cùng mấy người bà con ra đây làm nghề bắt sá sùng. Hàng ngày chủ thuyền đưa chúng tôi ra bãi cát nổi khu vực Mũi Ngọc đào sá sùng, chiều đến khi nước thủy triều lên, chủ thuyền lại đưa thuyền ra đón về. Vào bến, mọi người bán sá sùng cho chủ thuyền thu gom, sau đó họ bán lại cho các cơ sở chế biến sá sùng khô. Bình quân, trừ ăn uống mỗi tháng cũng gửi về được cho vợ 2,2 - 2,5 triệu đồng”.

Nói về tác dụng của sá sùng, nhiều chủ quán phở ở Móng Cái cho biết khi chưa có mì chính, sá sùng được coi là thứ "gia vị" để làm nên những nồi nước dùng có hương vị thơm ngọt đặc biệt. Loại hải đặc sản này chính là "linh hồn" của các quán phở và được bán với giá cao nên nghề săn sá sùng đang thu hút nhiều người dân tham gia.

Quang Hưng Nguồn: fistenet.gov.vn