Quảng Trị: Nuôi cá trên núi
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều mô hình nuôi cá tại các xã thuộc 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan.
Đakrông và Hướng Hóa là 2 huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, người dân đa phần là đồng bào Vân Kiều và Pa Cô, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, diện tích ao hồ nhỏ lại phân bố không tập trung, trình độ sản xuất của người dân còn chưa cao nên trong thời gian qua việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 2 huyện còn gặp nhiều khó khăn. Với mục tiêu nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) tỉnh đã triển khai nhiều mô hình nuôi cá tại các xã thuộc 2 huyện và bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan.
Ông Hồ Văn Mẹc ở tại thôn Húc Thượng (xã Húc, huyện Hướng Hóa) đã nuôi cá nước ngọt được gần 15 năm. Trước đây, ông thường mua cá giống của thương lái mang đến bán tận nhà, với ao nuôi diện tích 700 m2 ông được thương lái hướng dẫn là phải thả từ 3.000 - 4.000 con cá giống. Tuy nhiên, do cá giống có kích cỡ nhỏ, kỹ thuật nuôi lại không đảm bảo nên cá hao hụt nhiều, chậm lớn, thường phải nuôi từ 2 - 2,5 năm mới thu hoạch được khoảng 2 - 3 tạ cá. Khi được chọn tham gia thực hiện mô hình “Nuôi cá truyền thống sử dụng cá trắm cỏ là chính” do Trung tâm KNKN tỉnh thực hiện, ông được hỗ trợ 1.400 con cá giống đảm bảo chất lượng cùng với gần 270 kg thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện mô hình. Nhờ vậy, chỉ sau 6 tháng thả nuôi, cá đã đã đạt từ 0,6 – 0,7 kg con, đặc biệt là do cá giống thả nuôi có chất lượng đảm bảo nên tỷ lệ hao hụt thấp, ước tính tỷ lệ sống đạt gần 85%. Ông Mẹc cho biết, ông sẽ thu hoạch một ít để phục vụ cho nhu cầu của gia đình, số cá còn lại ông sẽ tiếp tục nuôi từ nay đến Tết Nguyên đán để cá có kích cỡ lớn hơn, bán được giá hơn.
Tham quan mô hình nuôi cá truyền thống sử dụng cá trắm cỏ là chính
Được biết, mô hình “Nuôi cá truyền thống sử dụng cá trắm cỏ là chính” được Trung tâm KNKN tỉnh triển khai trên diện tích 4.000 m2 thuộc các xã Mò Ó, Hải Phúc (huyện Đakrông) và xã Húc (huyện Hướng Hóa) với 6 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm KNKN tỉnh hỗ trợ 100% cá giống và 50% thức ăn công nghiệp. Đối tượng cá thả nuôi của mô hình là các loại cá truyền thống với số lượng 8.000 con, trong đó cá trắm cỏ là đối tượng nuôi chính chiếm tỷ lệ hơn 50%, còn lại là cá rô phi 20%, cá chép, cá trôi và cá mè mỗi loại chiếm 10%. Đây là các đối tượng có thể nuôi theo hình thức nuôi ghép, quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp và nguồn thức ăn bên cạnh thức ăn công nghiệp còn có thể tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như mối, giun, lá sắn, cỏ, cám gạo… Bên cạnh đó, trong suốt quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao, chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng của cá. Nhờ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như các biện pháp phòng, trị bệnh, nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, trong suốt quá trình nuôi không có hiện tượng dịch bệnh xảy ra. Kết quả sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện, mô hình được đánh giá là khá thành công, các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả kinh tế đều đạt và vượt mức yêu cầu đề ra như: tỷ lệ sống đạt từ 72 – 85%, trọng lượng bình quân 0,6 – 0,8 kg/con.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Quảng Trị cho biết: Lâu nay, đồng bào dân tộc chỉ quen đánh bắt cá tự nhiên ở sông, suối để cải thiện bữa ăn hằng ngày, còn việc nuôi cá thì chủ yếu là chỉ thả cá giống, việc chăm sóc nuôi dưỡng hầu như là nhờ trời. Bằng những mô hình được triển khai tại chỗ, hỗ trợ kỹ thuật thông qua phương pháp "cầm tay chỉ việc", các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao, hồ cho nông dân. Trong đó “Mô hình nuôi cá truyền thống sử dụng cá trắm cỏ là chính” đã đạt một bước tiến mới so với cách nuôi truyền thống lâu nay của người dân. Điểm vượt trội của mô hình là có đầu tư thức ăn công nghiệp cho cá, rút ngắn chu kỳ nuôi, trước đây để thu hoạch cá người dân phải nuôi từ 2 – 2,5 năm thì hiện nay chỉ cần nuôi từ 6 tháng đến 1 năm là đã có thể thu hoạch được, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Từ thành công của mô hình đã khẳng định việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá nước ngọt là phù hợp với điều kiện của người dân 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Mặt khác, thông qua mô hình đã chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật về nuôi cá truyền thống cho nhiều hộ gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số biết cách chủ động xây dựng kế hoạch làm ăn. Ông Tùng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Trung tâm KNKN tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi cá nước ngọt đạt hiệu quả kinh tế cao tại các xã, thị trấn thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số góp phần khai thác tối đa tiềm năng mặt nước hiện có để nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương”.