TIN THỦY SẢN

Sa sút lỗ khủng, 2 công ty thuỷ sản liên tiếp bị đưa vào diện cảnh báo

Ảnh minh họa: Internet N.Mai

2 doanh nghiệp lớn ngành thuỷ sản vừa bị Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cảnh báo vì làm ăn thua lỗ.

Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố việc đưa cổ phiếu CTCP Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (mã AGF) vào diện kiểm soát kể từ ngày 31/01/2018.

Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của AGF âm tới 187,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/09/2016 là âm 92,3 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán niên độ 1/10/2016 – 30/09/2017.

HOSE sẽ xem xét đưa cổ phiếu AGF ra khỏi diện cảnh báo căn cứ theo báo cáo tài chính soát xét bán niên niên độ tài chính 1/10/2017-30/9/2018 và tình hình thực hiện quy định về công bố thông tin của AGF.

Được biết, theo báo cáo tài chính niên độ 1/10/2016 – 30/9/2017 tự lập, AGF lãi 4 tỷ đồng, chênh lệch so với sau kiểm toán lên tới hơn 191 tỷ đồng.

Khoản lỗ nặng sau kiểm toán của AGF đến từ việc điều chỉnh doanh thu thuần giảm 178 tỷ đồng so với báo cáo tự lập khiến lãi gộp giảm mạnh.

Trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng sau kiểm toán không có nhiều thay đổi thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng đột biến. Cụ thể, khoản mục này đã tăng gấp gần năm lần, từ 22 tỷ đồng lên 103 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí quản lý sau kiểm toán Công ty cũng tăng thêm 82 tỷ đồng, nguyên nhân từ khoản dự phòng cho các khoản phải thu mà báo cáo tự lập trước đó của Agrifish không trích lập.

Trước AGF, HOSE cũng đã công bố việc đưa cổ phiếu một doanh nghiệp thuỷ sản lớn trên thị trường đó là CTCP Hùng Vương (mã HVG) vào diện kiểm soát kể từ ngày 26/01/2018.

Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ HVG năm 2016 và 2017 lần lượt là âm 49,3 tỷ và âm 712,96 tỷ đồng (căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất).

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất tự lập của công ty cho biết HVG lỗ ròng cả niên độ tài chính hơn 132 tỷ đồng. Như vậy sau kiểm toán, số lỗ đã tăng thêm 580 tỷ đồng.

Nguyên do chủ yếu là kiểm toán đã điều chỉnh chi phí quản lý doanh nghiệp từ 211,3 tỷ đồng tăng lên 756 tỷ đồng do gánh thêm dự phòng nợ phải thu khó đòi (566 tỷ đồng).

Trong báo cáo, kiểm toán cho biết: Tập đoàn đã phát sinh khoản lỗ sau thuế gần 713 tỷ đồng. Ngoài ra cũng tại ngày này, lỗ lũy kế của công ty gần 424 tỷ đồng; tổng nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn hạn gần 820 tỷ đồng. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HVG…

Không chỉ HVG hay AGF, nhiều các doanh nghiệp ngành thủy sản chứng kiến một năm 2017 không mấy sáng sủa với doanh thu thấp và lãi giảm. Như trường hợp CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã ABT).

Doanh thu cả năm ABT chỉ đạt 383,7 tỷ đồng, giảm hơn 9%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 31,8 tỷ đồng, giảm 41,6% so với năm 2016 và chỉ hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 27,4 tỷ đồng, giảm 42,6% so với năm 2016.
 

N.Mai Bizlive.vn