TIN THỦY SẢN

Sai phạm tại TCT Thuỷ sản Việt Nam: Nhà nước mất hơn 150 tỷ đồng

Trụ sở của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam

Trước khi hợp nhất 3 Tổng Công ty (gồm Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng Công ty Thủy sản Hạ Long và Tổng Công ty Hải sản Biển Đông) thành Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - TNHH MTV, ông Nguyễn Hữu Lộc (hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - TNHH MTV) là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Hải sản Biển Đông. Trong thời gian này ông Lộc cùng một số cá nhân khác đã buông lỏng quản lý; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước dẫn đến hậu quả là nguồn vốn của Nhà nước có khả năng mất hoặc không thu hồi được lên đến trên 150 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Công nghiệp thủy sản trước đây trực thuộc Tổng công ty Hải sản Biển Đông là một đơn vị đầu tiên về thiết kế cơ khí đóng tàu của ngành thủy sản ở phía Nam, hoạt động rất có hiệu quả. Nhưng sau khi cổ phần hóa vào năm 2007 thì công ty sa sút dần  đến nay thì tiêu tan, ngay cả tiền thuế Nhà nước cũng chưa thanh toán nổi.

Nguyên nhân của sự trượt dốc này xuất phát từ vị "thuyền trưởng" Nguyễn Hữu Lộc, người đại diện phần vốn Nhà nước của Tổng công ty Hải sản Biển Đông tại Công ty CP Công nghiệp Thủy sản và cũng là Chủ tịch HĐQT của công ty này.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được thì sai phạm cụ thể ở đây là ông Nguyễn Hữu Lộc và những người có liên quan đã không tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty, không xin ý kiến của HĐQT Tổng công ty và không có văn bản đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (NN&PTNT) đã tự ý cho giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 59% xuống còn 46% tại Công ty CP Công nghiệp thủy sản. Chính vì việc giảm vốn này dẫn đến nhà nước không còn chi phối nên Công ty cổ phần Công nghiệp thủy sản đã đi chệch hướng chiến lược của Tổng công ty Hải sản Biển Đông và kéo theo nhiều hệ quả đáng buồn sau đó.

Theo chúng tôi được biết thì trình tự muốn giảm vốn từ một công ty nhà nước chi phối (trên 50% vốn) thành một công ty có vốn Nhà nước liên kết dưới 50%, về mặt nguyên tắc phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của bộ chủ quản, ở đây là Bộ NN&PTNT. Nhưng thực tế việc giảm vốn nói trên Bộ NN&PTNN không được biết. Đến khi Bộ NN&PTNN và Ban đổi mới của Bộ yêu cầu báo cáo về việc này thì người ta thấy xuất hiện Công văn số 93/HSBĐ/TCKT của Tổng công ty Hải sản Biển Đông về việc không tăng phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Công nghiệp Thủy sản do ông Nguyễn Hữu Lộc ký ngày 6/5/2009.

Theo chúng tôi được biết thì tại văn thư của Bộ NN&PTNT không nhận được văn bản này. Vì thế có người khôi hài rằng, đây là một văn bản không có giá trị pháp lý được thực hiện để lấp liếm những sai phạm tày đình mà lãnh đạo Tổng công ty đã gây ra trước đó.

Sau khi kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp thủy sản, tháng 4/2007, Công ty CP Công nghiệp Thủy sản tham gia góp vốn vào Công ty CP Biển Tây và cử ông Lộc làm đại diện vốn, tham gia vào HĐQT Công ty CP Biển Tây. Đến tháng 6-2007, Công ty CP Công nghiệp Thủy sản tiếp tục góp vốn vào Công ty CP Aquafeed Cửu Long và cử ông Nguyễn Hữu Lộc làm đại diện vốn, đồng thời nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long.

Như vậy cho đến thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Lộc vừa giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hải sản Biển Đông, vừa làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghiệp Thủy sản, vừa làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long và là ủy viên HĐQT Công ty CP Biển Tây.

Vì đã có đầy đủ quyền lực trong tay, ông Lộc và những người có liên quan bắt đầu tự tung tự tác và gây ra nhiều sai phạm. Cụ thể là Công ty CP Công nghiệp Thủy sản chuyển tiền về các Công ty CP Biển Tây, Công ty CP Aquafeed Cửu Long bằng cách ký hợp đồng bán nguyên liệu thức ăn nuôi cá nhưng không có văn bản báo cho HĐQT. Hậu quả này dẫn đến việc Công ty CP Aquafeed Cửu Long nợ Công ty CP Công nghiệp Thủy sản 113 tỉ đồng (gồm nợ gốc và lãi suất) không có khả năng chi trả. Vì hiện tại Công ty CP Aquafeed Cửu Long đang lâm vào tình trạng rất khó khăn, đã ngưng hoạt động gần một năm nay và đang chờ làm thủ tục phá sản.

Theo sổ sách kế toán thì đến cuối năm 2011 tổng số nợ phải thu của Aquafeed là hơn 135 tỉ đồng nhưng tổng số nợ phải trả lên đến gần 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần xác định được vì số lượng nguyên liệu, chứng từ nhập kho, xuất kho và việc thanh toán tiền như thế nào trong 4 năm mua bán nguyên liệu giữa Công ty CP Công nghiệp thủy sản với Công ty CP Biển Tây và Công ty CP Aquafeed Cửu Long với tổng số tiền lên đến 800 tỉ đồng còn chưa được làm rõ. Một phần sai phạm tiếp theo là trước khi hợp nhất 3 tổng công ty, Tổng công ty Hải sản Biển Đông cho Công ty CP Công nghiệp Thủy sản vay gần 21 tỉ đồng nhưng thủ tục cho vay chưa đầy đủ và không hợp pháp.

Các hợp đồng vay vốn không có phương án sử dụng vốn cũng không có việc thẩm định cho vay vốn. Khoản nợ này hiện tại cũng không có khả năng thu hồi vì tình hình tài chính của Công ty CP công nghiệp Thủy sản đang trong giai đoạn hết sức khó khăn. Tổng số nợ mà công ty này đang gánh là khoảng trên 140 tỉ đồng nhưng khoản nợ phải thu chỉ có 137 tỉ đồng mà hầu hết là nợ khó đòi. Ngoài ra, còn một sai phạm nữa của ông Lộc và những người có liên quan là việc tái góp vốn 105 triệu đồng của Tổng công ty Hải sản Biển Đông vào Công ty CP Biển Tây đã thực hiện không đúng quy định của Nhà nước và Điều lệ Tổng công ty.

Như đã đề cập ở trên thì trách nhiệm cá nhân trong các sai phạm chủ yếu thuộc về ông Nguyễn Hữu Lộc, đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là số vốn của Nhà nước có khả năng mất hoặc không thu hồi được là hơn 150 tỉ đồng. Bên cạnh đó thì trách nhiệm liên đới thuộc về ông Nguyễn Tấn Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Hải sản Biển Đông và ông Nguyễn Xuân Hiển, Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban kiểm soát Tổng công ty Hải sản Biển Đông đã buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát.

CAND