Sóc Trăng: Ngành tôm và bài toán tăng trưởng kinh tế
Nhìn vào các con số thống kê những năm qua rất dễ nhận thấy, mỗi một bất ổn của ngành tôm đều tác động đáng kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đó cũng chính là lý do vì sao, các báo cáo hàng năm hay nhiệm kỳ của tỉnh bao giờ cũng đưa ra đánh giá: “… kinh tế của tỉnh tuy có tăng nhưng chưa thật sự ổn định và bền vững”.
Còn nhớ, trong đợt hạn và xâm nhập mặn lịch sử năm 2016, thiệt hại đối với ngành trồng trọt của tỉnh là khá lớn, nhưng chỉ cần con tôm trúng mùa, trúng giá, thì hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đến cuối năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Năm nay, với những diễn biến được cho là khá thuận lợi, khả năng thành công lớn của ngành tôm được dự báo là rất cao, cả ở lĩnh vực nuôi lẫn chế biến xuất khẩu, nên khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt cao là điều có thể dự đoán được.
Cũng chính từ tầm quan trọng của ngành tôm đối với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nên việc dành những ưu tiên cho ngành tôm, như: đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận nguồn vốn và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lĩnh vực nuôi luôn là điều được lãnh đạo và ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm trong suốt nhiều năm qua. Và cũng từ sự quan tâm đó đã đưa Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh có nghề nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh lớn nhất của cả nước.
Nói về hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là hướng đi đã được lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp xác định ưu tiên hàng đầu ngay từ những ngày đầu phát triển nghề nuôi và hiện đang được phát triển lên mức ngày càng cao hơn, nhằm hướng đến 2 mục tiêu chính là: nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi và tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi tôm, đảm bảo phát triển nghề nuôi hiệu quả và bền vững.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện, mục tiêu của tỉnh là phấn đấu giữ vững và phát triển hơn nữa diện tích nuôi tôm từ bán thâm canh lên thâm canh và từ thâm canh lên siêu thâm canh, để giúp nghề nuôi phát triển hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, có rất nhiều mô hình nuôi tôm thành công được người nuôi tôm biết đến, nhưng muốn tiếp cận thì lại rất khó khăn, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu vốn. Không nói đâu xa, trong chuyến tham quan mô hình nuôi tôm CPF - Combine Model vào cuối tháng 7, nhiều thành viên HTX nuôi tôm rất tâm đắc, nhưng đến khi đụng đến chi phí đầu tư thì ai cũng lắc đầu ngao ngán. Cũng có những người có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư, nhưng do vị trí nuôi nằm cách xa nguồn nước, độ mặn không đảm bảo cũng không thể áp dụng mô hình này.
Lo cho con tôm cũng là lo cho “sức khỏe” nền kinh tế của tỉnh, hay nói cách khác, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, một trong những ưu tiên là làm sao cho con tôm được thành công, cả về năng suất, sản lượng lẫn hiệu quả. Theo ông Lương Minh Quyết, muốn phát triển tốt hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả cần giải quyết tốt 3 “điểm nghẽn” cơ bản là: cơ sở hạ tầng, vốn và khoa học - công nghệ.
Cũng theo ông Lương Minh Quyết, hiện nay, thủy lợi và điện về cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghề nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, nhưng để phát triển hơn nữa, vẫn cần có sự đầu tư mới, hay cải tạo, nâng cấp. Thứ hai là tạo cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để người nuôi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng được dễ dàng hơn, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, giảm giá thành, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho con tôm của tỉnh. Thứ ba là đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - công nghệ để nghề nuôi thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Cho dù chưa phải là lời giải duy nhất, nhưng con tôm không thể tách rời với bài toán cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Do đó, trong ngắn lẫn trung hạn, con tôm vẫn rất cần có sự quan tâm nhiều hơn kể cả ở lĩnh vực nuôi lẫn chế biến xuất khẩu, bởi điều đó giúp cho kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng và đảm bảo tính bền vững.