TIN THỦY SẢN

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Năm 2020, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đạt 1.430 ha

Ảnh minh họa. Nguồn: Biển Lộc Hạ Hương

Theo Đề án, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đến năm 2020 đạt 1.430 ha chủ yếu ở các địa phương như sau: Long Xuyên, Thoại Sơn, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới và Phú Tân.

Trên cơ sở đó thực hiện xây dựng vùng chuyên canh nuôi cá tra có liên kết tiêu thụ tại các huyện này.

Tỉnh cũng tập trung ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất giống, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, tuyển chọn giống cá tra cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và fillet, đồng thời xây dựng, hoàn thiện các quy trình sinh sản nhân tạo cá tra để đánh giá chất lượng con giống cá tra nhằm có quy trình chuẩn để sinh sản, ương nuôi giống đạt chất lượng.

Mở rộng thêm các trại giống đã có, xây dựng thêm các trại mới, khuyến khích các cá nhân và tổ chức xây dựng trại sản xuất giống đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến. Giai đoạn 2017 – 2020, có ít nhất từ 5 – 10 trại sản xuất giống quy mô vừa và lớn (ngoài Trung tâm Giống Thủy sản) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn tiên tiến (Global GAP, ASC,…).

Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống tư nhân củng cố và mở rộng quy mô. Từ sau năm 2015, bắt đầu hoàn thiện hệ thống sản xuất giống từ vệ tinh đến các cơ sở sản xuất giống tư nhân, loại bỏ dần các cơ sở ương, sản xuất giống không đạt chất lượng (thông qua các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn,…v…v…).

Tỉnh sẽ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về quy cỡ sản phẩm, về an toàn chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vùng sản xuất cá tra thương phẩm đáp ứng được nhu cầu về chất lượng cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh gắn kết với khâu sản xuất giống và chế biến tiêu thụ trong chuỗi giá trị sản phẩm cá tra.
Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ cần liên kết tổ chức thành các tổ hợp tác, hợp tác xã hay một hình thức liên kết (hợp tác) giữa các hộ nuôi.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản thành lập chuỗi liên kết sản xuất, gắn kết từ sản xuất giống đến chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải liên kết với các hộ nuôi và liên kết với các doanh nghiệp khác để góp phần cân đối cung-cầu thị trường.
Quy hoạch các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu đến năm 2020. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng khác từ các phụ phẩm trong chế biến cá tra ngoài việc lấy mỡ cá làm dầu ăn có thể lấy da cá chế biến thành các chế phẩm collagen,…Xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam và kết hợp với quảng bá sản phẩm đến các thị trường tiềm năng.

Qua đó, An Giang sẽ tập trung phát triển và giữ vững các thị trường truyền thống, các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản....và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ. Xây dựng quy hoạch về cơ sở chế biến thức ăn trong chăn nuôi và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như tấm, cám, bột cá, mỡ cá,..để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Hạ Hương An Giang, 06/08/2015