Tăng bảo hiểm, tăng lương tối thiểu vùng là giảm thu nhập của người lao động
Đối với các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động như DN chế biến thủy sản thì mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và phí công đoán càng tăng thì thu nhập của người lao động càng giảm. DN không thể lấy khoản nào để bù đắp cho việc giảm thu nhập này cho người lao động khi năng suất không tăng.
Theo số liệu của Công ty kiểm toán KPMG, hiện nay, ngoài Việt Nam, Lào là quốc gia đóng BHXH ở mức cao nhất vẫn chưa đến 10%; Thái Lan và Campuchia dưới 5% thì Việt Nam đang đóng ở mức 26%. Như vậy, mức đóng riêng cho khoản BHXH của chủ DN và người lao động ở Việt Nam rất cao so với các nước trong khu vực.
Còn theo tính toán của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú (MINH PHU SEAFOOD CORP), chi phí lao động cho một công nhân lao động phổ thông trong nhà máy chế biến làm đủ 26 ngày công của tháng là: 6 triệu đồng/tháng (với mức lương tối thiểu vùng II là: 2,75 triệu đồng). Số lương này bao gồm 34,5% các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN và chi phí công đoàn. Năm 2015, sau khi trừ các khoản bảo hiểm phải đóng thì số tiền lương người lao động lĩnh là 5 triệu đồng. Nhưng năm 2016, khi lương tối thiểu vùng tăng 12,4% thì số tiền thực lãnh của người lao động chỉ còn 4,87 triệu (tức thu nhập giảm khoảng 126,7 nghìn đồng/tháng).
Theo luật BHXH, đến năm 2018 nếu đóng các khoản trên trong tổng thu nhập gồm các khoản tiền lương và phụ cấp thì mức lương của người lao động thực lãnh chỉ còn 3,96 triệu đồng/tháng.
Đặc thù ngành chế biến thủy sản là 90% lao động là nữ. Tại ĐBSCL đa số lao động nữ chỉ làm 5 - 10 năm là xin nghỉ việc về lập gia đình. Vì vậy, theo số liệu thống kê từ 20 năm nay số lao động nghỉ chế độ hưu trí rất thấp khoảng 1-2% mà phần lớn rơi vào những người lao động gián tiếp. Ví dụ, tại Minh Phu Seafood Corp, năm 2012, công ty có 432 công nhân ký vào đơn xin không tham gia BHXH bởi họ cho rằng chỉ làm ngắn hạn vài ba năm nên hàng tháng DN không trừ mấy trăm ngàn tiền bảo hiểm để họ còn trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, DN không thể chấp nhận đề nghị này vì nếu không đóng BHXH sẽ làm ảnh hưởng đến các đánh giá về an sinh xã hội của DN. Công đoàn và Ban lãnh đạo công ty phải thuyết phục mãi mới có hơn 200 công nhân ở lại làm việc, số còn lại xin nghỉ hoặc tự ý nghỉ việc.
Theo thống kê của Minh Phu Seafood Corp, năm 2014, Tập đoàn đóng BHXH, BHYT, BHTN (32,5%) với tổng số tiền trên 113 tỷ đồng và phí công đoàn gần 71,7 tỷ đồng. Năm 2015 lương tối thiểu vùng tăng 14,3%, mức đóng BHXH, BHYT, BHTN (32,5%) tăng lên trên 152,7 tỷ đồng và phí công đoàn tăng lên hơn 9,7 tỷ đồng. Như vậy so với năm 2014, mức lương tối thiểu vùng tăng 14,3%, các mức đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí Công đoàn năm 2015 đều tăng lên 35%. Riêng về phí Công đoàn đến năm 2018, mức phí đóng theo tổng thu nhập của 15.000 người lao động sẽ là 21,6 tỷ đồng, trong đó nộp lên công đoàn cấp trên 35% là 7,35 tỷ đồng.
Như vậy, việc nộp phí Công đoàn đối với DN nhiều lao động trong lĩnh vực CBTS rất cao và quá bất hợp lý. Nếu không có khoản phí này và các khoản đóng BHXH tăng hàng năm thì người lao động hàng tháng thu nhập sẽ ổn định hơn. Việc tăng lương tối thiểu vùng không nhằm nâng cao thu nhập của người lao động mà có tác động ngược lại. Việc tăng lương tối thiểu vùng hiện tại là một gánh nặng cho DN và người lao động trong việc tăng phí đóng bảo hiểm và phí Công đoàn.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới nhất là tới đây hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP được các nước phê chuẩn, các DN chế biến thủy sản rất lo lắng về sức cạnh tranh các mặt hàng thủy sản XK của Việt Nam. Giá nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20%. Năng suất lao động của nước ta kém Singapore 15 lần; kém Malaixia và Thái Lan 6 lần. Tại Thái Lan, DN chế biến thủy sản tại Bangkok công nhân được trả mức lương 220-250 USD (tương đương 4.884.000 –5.550.000 đ/người/tháng). Nếu nằm ngoài Bangkok mức lương trả cho công nhân là 180-200 USD (tương đương 3.996.000-4.440.000đ/người/tháng). Tại Ấn Độ, lương công nhân chế biến thủy sản từ 60-70 Rupee/người/tháng (tương đương 2.220.000đ).
Như vậy lương công nhân chế biến thủy sản mà DN Việt Nam đang trả cao hơn công nhân chế biến thủy sản của Thái Lan 20% và cao hơn Ấn Độ 170,27%. Điều đó cho thấy rằng, DN chế biến Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và khi các chi phí lao động tăng cao, các DN Việt Nam không còn con đường nào khác là phải thu hẹp sản xuất để sống sót và thua ngay tại sân nhà.