Tết về! Buồn của người nuôi tôm xa xứ!
Cái nghề nuôi tôm thăng trầm lắm. Tỷ phú cũng có mà nợ ngập đầu cũng có. Bởi vậy người ta thường nói cái nghề này thật sự nó bạc bẽo lắm, nhất là vào những ngày Tết.
Xa xứ vì giấc mộng đổi đời từ con tôm
Nước ta là một nước đi lên từ nông nghiệp. Nơi mà những người nông dân chân lấm tay bùn để làm ra hạt gạo. Nhưng vì giấc mộng đổi đời vì con tôm mà họ bỏ đồng ruộng, đi thuê mướn đất đào ao nuôi tôm, ôm niềm tin vào “giấc mơ tỷ phú”.
Không khó để có thể thấy những căn chòi xơ xác với bóng đèn điện lắc lư và một người đàn ông đơn độc, có nước da rám nắng, ngồi vắt chân lên ghế uống nước trà, nhìn xa xăm ra ngoài phía ao tôm. Đây chính là một bức tranh tả thực trong công cuộc làm giàu của họ. Để trở thành “Tỷ phú”, họ đồng ý xa vợ con, cha mẹ, xa làng xóm để đến một vùng đất mới lập nghiệp một thân một mình. Buồn lắm! Nhưng không thể nào làm khác hơn được khi mong ước có một cuộc sống sung túc hơn cứ lẩn quẩn trong đầu.
Nhất là khi đêm xuống, một mình nằm trong căn chòi giữa bốn bề là ao tôm vắng vẻ, chỉ có tiếng ếch nhái kêu, tiếng quạt nước, làm cho cái nỗi buồn xa xứ càng thêm chồng chất. Nhớ lắm bữa cơm gia đình có đầy đủ thành viên. Nhớ cha mẹ, vợ con đang mòn mỏi mong đợi người con, người chồng, người cha làm nên sự nghiệp, quay về đoàn tụ bên gia đình. Có người hỏi sao không bỏ về quê mà làm ăn? Anh bảo, còn gì nữa đâu mà về. Ruộng vườn đều bán sạch để đầu tư cho những ao tôm này rồi. Nhưng dường như càng nuôi hy vọng bao nhiêu thì lại càng bế tắc bấy nhiêu!
Nhiều chú đã hơn 20 năm kinh nghiệm “chinh chiến” nuôi tôm xa xứ, ông chú nói ngoài lúc đêm xuống thì buồn nhất là những buổi chiều mưa, trận mưa chiều nặng hạt vỗ vào mái, vách lá nghe rào rào từng cơn, tiếng quạt nổ vang có khi còn ác cả tiếng mưa. Sao mà nó buồn quá! Không biết sao cơn mưa này phải rải bao nhiêu vôi? Không biết vụ tôm này có lời hông? Rồi sau cơn mưa trời có sáng không? Hay chìm vào đêm tối mù mịt. Chợt ông chú rùng mình một cái vì lạnh. Một cái rùng mình mang nhiều ý nghĩa!
Tết không trọn vẹn
Nỗi buồn càng chất chồng khi gần Tết. Thấy người ta có ba có mẹ, có con có vợ sum vầy đón Tết, sao mà thấy tủi thân. Một mình một thân giữa đồng không mông quạnh, giữa những ngày náo nhiệt nhất của một năm. Buồn quá! Mà nếu về thì ai chăm tôm, ai lo cho ăn, bật quạt, ai rải vôi, tạt thuốc, ai canh đêm… Nghĩ đến đây mà rớt nước mắt.
Vào đêm giao thừa, có khi cũng nghe xa xa tiếng pháo hoa nổ mừng năm mới. Nhưng nỗi buồn xa quê hương cứ đau đáu trong lòng. Thèm được nghe tiếng nói tiếng cười của người thân, thèm hương vị ngày Tết và cái không khí sum vầy. Nhưng cái nghề đã vận vào thân, làm sao mà bỏ được. Tiếng quạt nước khuấy động lại không khí, hy vọng một mùa xuân mới sẽ về cùng lúc với một vụ nuôi tôm thành công.
Sự đánh đổi này có khi cũng mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho cả gia đình. Nhưng có khi cũng lao đao, chật vật lắm với những món nợ tôm khó trả. Nuôi tôm ngay dịp Tết thì giá cao phải biết, nhưng mùa Tết lại là mùa rủi ro lớn đối với nghề nuôi tôm. Thời tiết thay đổi, dịch bệnh xuất hiện nhiều có thể làm sự hy sinh của người ông, người cha, người chú trong gia đình trở nên vô nghĩa.
Mong ước sum vầy ngày Tết
Nếu có một phép màu đổi lấy được những khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, mà những ao tôm vẫn được chăm sóc chu đáo, thì chắc rằng chú nào ở chòi tôm vào dịp Tết cũng muốn đổi. Vì ai mà muốn ăn Tết ở xa nhà đâu! Tết là phải đoàn viên, phải sống trong không khí gia đình. Mà đã vướng vào cá nghiệp tôm rồi thì khó thoát ra được lắm! Tới vụ là phải thả giống, dù cho là Tết hay ngày thường đi chăng nữa.
Cuối cùng mong ước cũng chỉ là mong ước, những chú, những bác nuôi tôm ở xa quê vẫn phải ở lại chòi canh tôm trong khi mọi người nô nức về quê ăn Tết. Cật lực chăm sóc cho đàn tôm khỏe mạnh, để thắp lên hy vọng được về quê ăn Tết ở những năm sau, và hy vọng về những lứa tôm nuôi thành công, bán có giá, cho người nuôi có lời.