Tháo gỡ khó khăn cho ngành nuôi trồng thủy sản
Sự việc cá biển chết bất thường đã khiến ngành nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh, thành ven biển miền Trung lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt khi có nhiều diện tích ao hồ nuôi tôm phải lấy nguồn nước từ biển...
Nhiều năm qua, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) luôn tập trung nguồn lực chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng cát. Trong đó, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp rất nhiều hộ dân thoát nghèo làm giàu.
Điển hình như xã Phong Hải khi xã biển này có hàng trăm hộ dân tham gia nuôi tôm, với tổng diện tích gần 70ha, đạt doanh thu mỗi năm trên 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, cho biết, tình trạng cá biển chết dạt vào bờ ở các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó có Thừa Thiên - Huế, đã khiến người nuôi tôm trên địa bàn lo lắng.
“Toàn xã có 93 nhóm hộ nuôi tôm, với số tiền đầu tư vài trăm triệu đồng mỗi hộ. Từ nhiều năm qua, phần lớn nguồn nước nuôi tôm đều được người dân lấy từ biển. Vì thế, sau khi có sự việc cá biển chết, trạm quan trắc môi trường đóng trên địa bàn xã đã lấy mẫu nước biển để kiểm tra xem nguồn nước có an toàn không, đồng thời phía xã cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra ao hồ tôm, nếu phát hiện tôm chết sẽ có biện pháp xử lý ngay để tránh thiệt hại cho người dân”, ông Khánh nói.
Sau khi xảy ra tình trạng cá biển liên tục chết dạt vào bờ, hơn 1.350 hộ dân nuôi tôm ở các xã Vinh Giang, Vinh Hưng, Lộc Điền... thuộc huyện Phú Lộc cũng có tâm lý lo sợ thủy sản đang thời kỳ thu hoạch không bán được.
Ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Bạch Thạch, xã Lộc Điền) cho hay, để đầu tư một vuông tôm, gia đình đã bỏ ra chi phí gần 300 triệu đồng thuê nhân công san ủi mặt bằng, đào hồ, mua tôm giống và máy móc các loại, nhưng trước tình hình hải sản gặp khó khăn trong việc tiêu thụ như hiện nay thì người dân rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giúp đỡ...
Đặc biệt, lo sợ nguồn nước nuôi trồng thủy sản ở đầm Lập An bị ô nhiễm do vừa qua có hơn 3 tấn cá lồng nuôi thương phẩm ở đầm này bị chết, gây thiệt hại khoảng 600 triệu đồng nên trong số 90 hộ dân đầu tư nuôi tôm ở khu vực Lăng Cô thì hiện có nhiều hộ phải chấp nhận bỏ trống hồ tôm sau thời điểm thu hoạch.
Ông Mai Văn Xỉ, Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc bày tỏ: “Dù đơn vị chưa thống kê được số liệu cụ thể, nhưng thiệt hại về kinh tế đối với bà con ngư dân và người nuôi trồng thủy sản là khá lớn, khi xảy ra tình trạng cá biển bị nhiễm độc chết dạt vào bờ, đặc biệt là vấn đề tâm lý của người tiêu dùng. Qua đây, cũng mong các cơ quan Bộ, ngành sớm có biện pháp để giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn”.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.000ha diện tích mặt nước nuôi tôm, bình quân mỗi năm cho thu hoạch đạt 4 đến 5 tỷ đồng/1ha. Vì thế, nếu nguồn nước biển bị ô nhiễm thì đây là điều rất đáng lo ngại đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Trong một diễn biến khác, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lập An và cửa biển Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) vào thời điểm xuất hiện cá chết tràn lan.
Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu về hóa lý như độ pH, hàm lượng ô xy hòa tan (DO), nhu cầu ô xy hóa học (COD), hàm lượng cyanua (CN-), tổng hàm lượng dầu mỡ, tổng các chất hoạt động bề mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của Bộ TN&MT.
Riêng các thông số, gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) lại vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt...