Thị trường cá ngừ thế giới 2015
Sản lượng khai thác cá ngừ toàn cầu giảm, dẫn đến giá cá ngừ tăng, trong khi nhu cầu chỉ ở mức vừa phải là đặc điểm chính của thị trường cá ngừ thế giới 2015. Trong 9 tháng đầu năm 2015, giá cá ngừ vằn đông lạnh tăng 50% và bắt đầu giảm trong tháng 10. Trong nửa đầu năm 2015, thị trường cá ngừ sashimi tại Nhật Bản vẫn còn yếu. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhập khẩu cá ngừ tươi vào Mỹ cao hơn Nhật. Về cá ngừ đóng hộp, trong nửa đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu của khu vực châu Á và Mỹ Latin giảm do các thị trường truyền thống như Mỹ và EU ảm đạm.
Nguồn cung
Sự sụt giảm trong sản lượng khai thác cá ngừ toàn cầu dẫn đến sự tăng giá cá ngừ trên thị trường thế giới trong suốt 9 tháng đầu năm 2015. Thực tế, giá cá ngừ vằn đông lạnh xuất khẩu từ Tây Thái Bình Dương sang thị trường Thái Lan tăng từ 900 đô la Mỹ/tấn trong tháng 6 lên đến 1.450 đô la Mỹ/tấn trong tháng 9/2015. Xu hướng tăng giá cá ngừ mạnh là do quyết định của Tổ chức lưới vây cá ngừ quốc tế (World Tuna Purse Seine Organization’s) về việc giảm nỗ lực khai thác xuống 35% từ 15/5/2015 đến 31/12/2015 và việc tạm dừng khai thác cá ngừ bằng thiết bị tập trung cá (FADs) kéo dài trong 4 tháng tại khu vục Trung Tây Thái Bình Dương được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 10/2015 nhằm tránh giá cá ngừ giảm sâu.
Tại Đông Thái Bình Dương, sản lượng cá ngừ giảm do tình hình khai thác cá ngừ nói chung giảm. Các nhà máy chế biến cá ngừ đóng hộp đang giữ mức nguyên liệu cá ngừ ở mức vừa phải.
Tại Ecuador, giá cá ngừ ổn định ở mức 1.250-1.400 đô la Mỹ/tấn do nhu cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp giảm ở các thị trường nhập khẩu.
Tại Ấn Độ Dương, sản lượng cá ngừ cập cảng ở mức trung bình, với số lượng cá ngừ nguyên liệu dự trữ ở các nhà máy chế biến ở mức vừa phải.
Tại khu vực phía Đông Ấn Độ Dương, sản lượng cá nục (mồi câu cá ngừ) ở Maldives thấp, gây ảnh hưởng đến sản lượng cá ngừ câu tay của quốc đảo này.
Tại Nhật, trong nửa đầu năm 2015, tổng sản lượng cá ngừ cập cảng giảm nhẹ (0.63%) còn 72.172 tấn. Tuy nhiên, sản lượng cá ngừ tươi tăng mạnh (64%) từ khai thác ven bờ. Sản lượng cá ngừ đông lạnh từ khai thác xa bờ giảm gần 11% xuống còn 56.679 tấn do sản lượng cá ngừ vây vàng và cá ngừ vây dài giảm.
Tại Mỹ, lượng cá ngừ vây dài cập cảng thấp hơn mức trung bình, nhưng tổng sản lượng khai thác cá ngừ albacore Bắc Thái Bình Dương của Mỹ trong năm 2015 (kết thúc vào tháng 10) đạt 24 triệu pao. Hầu hết được đánh bắt tại Washington và Oregon, với lượng cập cảng ít hơn 100 tấn tại California do nước biểm ấm lên.
Thị trường cá ngừ tươi và cá ngừ đông lạnh
Thị trường Mỹ
Tại thị trường Mỹ, thời tiết mùa hè thuận lợi đã thúc đẩy tiêu dùng cá ngừ tươi và cá ngừ đông lạnh phi lê trong năm 2015. Giá bán lẻ cá ngừ tươi từ vùng biển Thái Bình Dương dao động từ 10-16 đô la Mỹ/pound. Trong suốt nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh của Mỹ cao hơn Nhật khoảng 11.300 tấn. Nhật chỉ nhập khẩu 8.401 tấn cá ngừ tươi trong nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên, tổng lượng nhập khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh của Mỹ lại giảm 3% trong nửa đầu năm 2015 do sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng từ vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương giảm. Các nhà cung cấp cá ngừ chính cho thị trường Mỹ là Trinidad,Tobago, Sri Lanka, Maldives và Thái Lan. Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to vào thị trường Mỹ tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Nhật
Trong 6 năm qua (2009-2015), nhập khẩu cá ngừ tươi vào thị trường Nhật giảm đáng kể (50%), từ 17 nghìn tấn trong nửa đầu năm 2010 xuống còn 8.400 tấn trong nửa đầu năm 2015. Mức tiêu dùng cá ngừ tươi giảm cả ở hộ gia đình và ở các nhà hàng.
Nhu cầu tiêu dùng cá ngừ đông lạnh cho món sashimi vẫn còn tăng cao hơn so với cá ngừ tươi do cá ngừ đông lạnh bảo quản được lâu hơn. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to đông lạnh vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh nhu cầu về cá ngừ cho món sashimi ở thị trường cá ngừ sashimi lớn nhất thế giới này sụt giảm.
Tại EU, trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ tươi ở các nước ngoài khối giảm từ 2.056 tấn trong năm 2014 xuống còn 1.099 tấn trong năm 2015. Trong đó, cá ngừ vây vàng là nhóm nhập khẩu chính (1.549 tấn) chủ yếu được nhập khẩu từ Maldives (65%). Nhập khẩu cá ngừ thăn và phi lê đông lạnh tăng từ 7.007 tấn trong nửa đầu năm 2014 lên đến 8.397 tấn trong nửa đầu năm 2015. Ba nhà cung cấp chính cá ngừ thăn và phi lê đông lạnh là Việt Nam (2.020 tấn), Hàn Quốc (1.855 tấn) và Ecuador (1.069 tấn).
Cá ngừ đóng hộp
Trong nửa đầu năm 2015, 6 thị trường nhập khẩu cá ngừ đóng hộp lớn nhất là Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh và Ai Cập. Tuy nhiên, xu hướng nhập khẩu của các nước này không đồng đều. Trong khi nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào Mỹ, Ý và Pháp giảm thì nhập khẩu cá ngừ đóng hộp lại tăng ở 3 thị trường còn lại. Tổng nhập khẩu cá ngừ đã qua sơ chế vào EU (cá ngừ đóng hộp và cá ngừ thăn đã chế biến) từ các nước ngoài khối EU vẫn giữ ổn định.
Về xuất khẩu, Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha, Philipin và Trung Quốc là 5 nhà cung cấp cá ngừ đóng hộp hàng đầu trên thị trường quốc tế. Ngoại trừ Trung Quốc, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của các nước còn lại đều giảm.
Thái Lan
Trong nửa đầu năm 2015, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan tiếp tục giảm, giảm 8.3% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật và Úc giảm trong khi xuất khẩu cá ngừ sang các nước như Ai Cập, Ả rập xê út, các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Oman, Qatar, Brazil và Panama tăng. Trong nửa đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan giảm 18% xuống 1 tỷ đô la Mỹ so với mức 1.17 tỷ đô la Mỹ trong cùng kỳ năm trước.
Trong số các nước sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp hàng đầu thế giới, nửa đầu năm 2015, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Tây Ban Nha giảm 0.61%, Philipin giảm 30% và Mauritius giảm 8.5%. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Trung Quốc tăng 5% lên 37.26 tấn. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ thăn chế biến của Trung Quốc sang Bồ Đào Nha tăng 76%, trong khi xuất khẩu sang Tây Ban Nha lại giảm 55%. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Trung Quốc sang các thị trường như Nga, Cuba và Chile đều tăng.
Thị trường Mỹ
Trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào thị trường Mỹ giảm hơn so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng của nước này giảm. Tổng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào thị trường Mỹ đạt 99,862 tấn, giảm 5% so với mức nhập khẩu là 104.822 tấn cùng kỳ năm trước. Thái Lan vẫn là nhà cung cấp cá ngừ đóng hộp lớn nhất vào thị trường Mỹ, song nhập khẩu từ Thái Lan cũng giảm 13.6%, Trung Quốc (+7%), Ecuador (+30%), Việt Nam và Philippine giảm 4%.
Thị trường EU
Trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp và chế biến của các nước ngoài khối EU tăng nhẹ 0.6% về số lượng song lại giảm 18% về giá trị. Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào EU từ Ecuador, nhà cung cấp lớn nhất, tăng nhẹ, đạt 51.258 tấn do nhập khẩu cá ngừ thăn chế biến vào Tây Ban Nha và Ý tăng. Nhập khẩu cá ngừ từ Thái Lan giảm 33%, đạt 24.208 tấn, trong khi nhập khẩu từ Indonesia tăng 26%, đạt 12.795 tấn, nhập khẩu từ Papua New Guinea tăng 17% và từ Côte d’Ivoire tăng 35%.
Trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ thăn chế biến vào thị trường EU giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 29% thị phần cá ngừ chế biến nhập khẩu vào EU. Thị phần cá ngừ vây vàng và cá ngừ vằn trong tổng lượng cá ngừ thăn chế biến chiếm 17% và 45% tương ứng.
Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Bồ Đào Nha là các nhà chế biến lại thăn cá ngừ chế biến trong khối EU. Trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ thăn chế biến vào thị trường Tây Ban Nha và Ý tăng 33%. Indonesia nổi lên như là nhà cung cấp cá ngừ thăn chế biến hàng đầu cho thị trường Ý.
Đối với cá ngừ đóng hộp, nhập khẩu vào Anh và Đức tăng 8% và 21% tương ứng. Tuy nhiên, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào thị trường Hà Lan và Bỉ lại giảm 20%. Nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào Pháp và Ý đều giảm. Nhà cung cấp chính cá ngừ đóng hộp cho 2 thị trường này là Tây Ban Nha. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng xuất khẩu cá ngừ cá hộp của Tây Ban Nha đạt 344 triệu EUR tương đương 76.000 tấn. Các nước thành viên EU là điểm đến chính của các sản phẩm đóng hộp của Tây Ban Nha.
Các thị trường khác
Tại khu vực Châu Á/Thái Bình Dương, Nhật và Úc là hai thị trường quan trọng đối với cá ngừ đóng hộp. Trong nửa đầu năm 2015, nhập khẩu cá ngừ vào Nhật đạt 25.330 tấn, tăng 6.8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân cho việc tăng này có thể do giá nguyên liệu cá ngừ rẻ hơn. Nhập khẩu cá ngừ vào thị trường Úc ổn định ở mức 25 nghìn tấn. Nhập khẩu cá ngừ vào các thị trường ở khu vực Đông Nam Á vẫn ở mức thấp, trong đó nhập khẩu cá ngừ vào Malaysia và Singapore thấp hơn cả.
Tại Trung Đông, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vào Ai Cập, Ả rập Xê-út, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và các nước GCC (Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng vịnh).
Triển vọng
Trong ngắn hạn, nguồn cung cá ngừ được dự báo giảm, mặc dù sản lượng cá ngừ tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương tăng nhẹ vào tháng 9 do hạn cấm sử dụng FAD hết hiệu lực vào cuối tháng 10. Để giữ giá cá ngừ ổn định trên thị trường quốc tế, Hiệp hội cá ngừ lưới vây sẽ tiếp tục hạn chế mức khai thác cho đến hết năm 2015. Tuy nhiên, hiện các nhà máy chế biến cá ngừ tại Thái Lan đã có đủ nguyên liệu cá ngừ cho sản xuất. Ngoài ra, kể từ tháng 10/2015, các nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp tại Ecuador cho biết nhu cầu tiêu dùng cá ngừ từ các thị trường Mỹ Latin đang có xu hướng giảm. Do vậy, giá cá ngừ có xu hướng giảm cho đến hết năm 2015, đặc biệt là cá ngừ vằn.
Sản lượng khai thác khu vực phía Đông Ấn Độ Dương ở mức thấp đã ảnh hưởng đến ngành cá ngừ câu tay ở quốc đảo Maldives, mặc dù giá cá ngừ sẽ vẫn ổn định. Xuất khẩu cá ngừ nguyên liệu của Indonesia cho nhu cầu đóng hộp và chế biết dự báo sẽ giảm.
Tại các thị trường truyền thống như Mỹ và EU, nhu cầu thực tế về cá ngừ đóng hộp chưa thể cải thiện mặc dù hiện nay giá cá ngừ vằn đang ở mức thấp.
Tại Châu Á, các nhà sản xuất và xuất khẩu cá ngừ sẽ tập trung hơn sang thị trường Trung Đông và các thị trường mới nổi.