Thiếu kinh phí, ngư dân "ngó lơ" thiết bị giám sát tàu cá
Mỗi bộ thiết bị giám sát hành trình có giá từ 19 - 28 triệu đồng, ngư dân xót xa
Theo Nghị định 26 của Chính phủ, đến 1.4.2020, các tàu cá đánh bắt xa bờ trong cả nước có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số tàu cá tại Hải Phòng, Nam Định… được lắp đặt thiết bị này còn rất ít.
Chần chừ lắp đặt vì khó khăn kinh phí
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN- PTNT TP.Hải Phòng), cho biết theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ của Chính phủ, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới dưới 24 m phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1.4. Trên địa bàn thành phố hiện có 419 tàu cá thuộc diện này, nhưng đến 1.4, Hải Phòng không thể hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với 100% tàu cá, mà chỉ khoảng một nửa trong số đó (khoảng 200 tàu) được lắp đặt.
Lý giải cho việc chậm trễ này, ông Đinh Khắc Hải, chủ một tàu cá ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), cho biết: “Thời gian gần đây, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn, tôi cố đi mấy chuyến nữa rồi tính toán lắp vậy”. Không riêng ông Hải, nhiều chủ tàu ở cảng Mắt Rồng (huyện Thủy Nguyên), hay Ngọc Hải (quận Đồ Sơn, Hải Phòng), đều có tâm lý đợi đến thời hạn mà Nghị định 26 quy định rồi... tính tiếp.
Tình trạng khó khăn về kinh phí lắp đặt tàu cá cũng diễn ra tương tự ở Nam Định. Ông Bùi Văn Tiến (ngư dân ở huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết: “Nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt vì nạn đánh bắt bằng tàu giã cào. Điều này khiến nguồn thu của chúng tôi giảm sút nghiêm trọng. Ra biển bây giờ hòa tiền là may. Giờ phải bỏ thêm 20 triệu để lắp thiết bị giám sát thì nhiều người gặp khó khăn”. Cũng theo ông Tiến, nhiều người trong đoàn đánh cá của mình vẫn đang mong chờ xem nhà nước có hỗ trợ kinh phí để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hay không.
Trình đề án hỗ trợ ngư dân
Về vấn đề trên, theo ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định), đến 1.4, toàn tỉnh có 587 tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, có 39 tàu trên 24 m đã lắp xong thiết bị trước ngày 1.7.2019 theo quy định. “Số tàu còn lại phải lắp trước 1.4, chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến và cung cấp hồ sơ thiết bị của 6 đơn vị cung cấp thiết bị được nhà nước cấp giấy phép cho ngư dân tự lựa chọn”, ông Hà thông tin và cho biết, ngư dân Nam Định cũng đang gặp khó khăn về kinh phí lắp đặt. “Sở đang trình UBND tỉnh đề án hỗ trợ người dân. Không biết có được thông qua hay không”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, tỉnh Nam Định sẽ làm quyết liệt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bởi việc giám sát hành trình là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện lộ trình khắc phục thẻ vàng do Ủy ban châu Âu (EU) áp dụng đối với thủy sản Việt Nam. Thiết bị này giúp cơ quan chức năng và ngư dân an toàn hơn trong khai thác, dễ truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngư trường…
Về phía Hải Phòng, ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, trên thực tế chính quyền thành phố cũng đã rất tích cực tuyên truyền, vận động chủ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, ông Xuân thừa nhận, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình bị chậm theo tiến độ một phần do các tàu lâu lâu mới về cập bến, nhưng mặt khác quan trọng hơn là do nhiều ngư dân khó khăn về kinh phí lắp đặt.
“Không giống ngư dân các tỉnh phía Nam, ngư dân Hải Phòng phải tự bỏ kinh phí ra lắp thiết bị giám sát hành trình, lại đang khó khăn về tài chính nên còn chần chừ việc lắp”, ông Xuân cho biết.
“Chúng tôi cũng đang cố gắng vận động người dân hoàn thiện sớm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, vì mức phạt đối với tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình là rất cao, từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng”, ông Xuân cho biết.