TIN THỦY SẢN

Thu 700 - 800 triệu đồng/vụ nhờ nuôi tôm thẻ công nghệ cao

Thu hoạch tôm. Trần Hiền - Phạm Đông

Ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải có một người nông dân tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, rồi mạnh dạn bỏ ra toàn bộ số tiền dành dụm để xây nhà ở để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, ngay vụ đầu tiên đã thu về 700 - 800 triệu đồng. Đó là câu chuyện của nông dân Đào Xuân Tứ.

Ông Đào Xuân Tứ xã Nam Thắng có kinh nghiệm hàng chục năm nuôi tôm thẻ chân trắng. Gắn bó lâu như thế với con tôm thẻ nhưng hiệu quả lại chẳng như mong đợi, tôm cứ được một vụ thì 2 - 3 thậm chí 4 vụ mất mùa. Nhận thấy nuôi tôm theo hình thức truyền thống hiệu quả không cao ông Tứ mạnh dạn đầu tư áp dụng nuôi tôm công nghệ cao.

Ông Đào Xuân Tứ cho hay: " Thường xem và học hỏi kinh nghiệm từ trên mạng, thấy nhiều công ty làm bể tròn nuôi tôm thuận lợi. Tôi chỉ làm 1000 m3 nuôi thôi, còn diện tích gần một mẫu thì để làm ao chứa, ao lắng thô và ao lắng tinh để cấp nước nuôi tôm. Mình làm sạch nước bên ngoài hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi."

Nếu nuôi tôm truyền thống 1 năm ông Tứ chỉ nuôi được 1 - 2 vụ thì nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao có thể nuôi được từ 4 - 5 vụ/năm. Bởi lợi thế của ao nuôi có bạt che phủ nên có thể nuôi được quanh năm không lo điều kiện thời tiết bất thường. 

Sau gần 4 tháng thả nuôi, đến nay, gia đình ông Tứ đã thu hoạch vụ đầu tiên. Tôm nuôi có màu đẹp, to 32con/kg nên có giá bán cao, lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với cách nuôi truyền thống.

Ông Tứ chia sẻ: "Trừ tiền cám và chi phí cũng thu được 400tr đồng, nếu thành công thêm 1 vụ nữa có thể thu hồi toàn bộ vốn mình bỏ ra."

Mặc dù có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao xuất hiện ở nhiều nơi và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhưng với xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải thì ông Đào Xuân Tứ là người đầu tiên nuôi theo hình thức này. Đây được xem là mô hình mới, hướng đi mới hiệu quả và bền vững để nhiều nông dân ở đây có thể học hỏi và áp dụng.

Trần Hiền - Phạm Đông Báo Thái Bình