Thu tiền tỷ từ nuôi thủy sản “sông trong ao”
Với quy mô 8,5ha, mỗi năm gia đình anh Dũng xuất bán thị trường khoảng 100 tấn cá thương phẩm, 150 tấn cá giống, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Không chỉ sở hữu quy mô nuôi thả thủy sản rộng nhất vùng, anh Nguyễn Văn Dũng, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên còn là người tiên phong áp dụng mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình "sông trong ao".
Tới thăm mô hình nuôi trồng thủy sản của anh Dũng, bất cứ ai cũng phải trầm trồ về quy mô ao nuôi, bởi chúng được thiết kế bài bản, khoa học. Xung quanh bờ ao được kiên cố hóa, hệ thống tạo oxy, cấp và thoát nước điều khiển tự động.
Anh Dũng bảo, có được thành công như ngày hôm nay là những tháng ngày bươn chải với nghề. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi cá thương phẩm, ngay từ nhỏ anh Dũng đã được bố chỉ bảo, truyền đạt lại cho những kĩ thuật, kinh nghiệm. Có trong tay vốn liếng kiến thức, anh bắt đầu gây dựng sự nghiệp, đó là năm 2004.
Thời điểm đó, anh thuê 3,5ha đất của UBND xã để nuôi cá thương phẩm. Quá trình nuôi, anh nhận thấy thị trường cung cấp con giống rất eo hẹp, chưa có nhiều cơ sở sản xuất con giống uy tín. Do đó, anh vừa sản xuất cá thương phẩm vừa nghiêm cứu, học hỏi sản xuất con giống.
Đầu năm 2010, anh quyết định mua cá chép bố mẹ, đầu tư máy móc, thiết bị, sản xuất cá giống để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, những năm đầu, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên con giống yếu, chất lượng kém, khó tiêu thụ.
Không nản chí, anh Dũng tìm đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Từ Sơn - Bắc Ninh) để được giúp đỡ. Tại đây, anh được các nhà khoa truyền đạt và chuyển giao quy trình nuôi, sản xuất giống cá chép lai V1. Nhờ vậy, anh đã thực nghiệm quy trình sản xuất con giống thành công.
Anh Dũng cho biết: “Để có được cá giống chất lượng, thì khâu tuyển chọn cá bố mẹ rất quan trọng, quyết định sự thành bại. Ngoài các yếu tố cơ bản, cá bố mẹ khỏe mạnh, không dị tật, dị hình thì chế độ nuôi vỗ rất khắt khe. Thông thường cá được nuôi vỗ từ cuối năm trước cho đến tháng 2 năm sau thi bắt đầu cho sinh sản”.
Áp dụng mô hình sông trong ao giúp anh Dũng nâng cao mật độ ương cá cao gấp 10 – 15 lần so với truyền thống. Ảnh: Hoàng Dân.
Theo anh Dũng, có 2 cách cho cá bố mẹ sinh sản. Sinh sản tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo. Để tăng hiệu quả, anh Dũng áp dụng phương pháp sinh sản nhân tạo; chọn cá cái có bụng mềm, to tròn, phần phụ sinh dục màu hồng nhạt, trứng rời nhau; cá đực khi vuốt nhẹ bụng phần phụ sinh dục có dịch màu trắng sữa. Đối với cá cái sẽ tiêm kích dục tố 2 lần, cá đực tiêm 1 lần để kích thích cá đẻ trứng cũng như thu tinh đạt hiệu quả cao nhất.
Từ thành công trong lai tạo giống cá chép lai V1, anh Dũng tiếp tục nhân giống cá trắm đen, cá trê ta, rô ta, rô phi, chạch sông, cá diêu hồng, cá lăng…
Năm 2018, anh tiếp tục đầu tư 1 khu ương cá giống theo hình thức sông trong ao; rộng 2.000 m2, được lắp đặt hệ thống bơm nước, kết hợp sục không khí, máy cho cá ăn tự động. Qua đó, giúp anh chủ động trong việc quản lý sức khỏe của con giống. Với hình thức này, mật độ nuôi thả cá giống cao hơn so với truyền thống từ 10 - 15 lần.
Không giàu một mình
Với quy trình nuôi thả thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như áp dụng mô hình sông trong ao, năng suất cũng như chất lượng sản phẩm cao hơn so với nuôi truyền thống. Hiện cá thương phẩm, cá giống đang được anh Dũng xuất bán trong và ngoài tỉnh.
Theo tính toán, trung bình 1 năm, anh xuất bán trên 100 tấn cá thương phẩm, 150 tấn cá giống. Doanh thu hàng năm đạt gần 20 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 1,5 - 2 tỷ đồng. Cùng với đó, anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, anh Dũng liên kết với các hộ nuôi thả thủy sản tại xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ) để thành lập HTX Thủy sản Hưng Phát, do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc điều hành HTX. Hiện nay, HTX có 24 thành viên tham gia với quy mô 50ha.
Với thành công trong nghề nuôi thủy sản, anh Dũng là một trong 63 nông dân xuất sắc trong cả nước vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”. Ảnh: Hoàng Dân.
Ông Hoàng Mạnh Ước, thành viên HTX cho biết, trước đây, gia đình ông chuyên nuôi thả nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định. Khi tham gia vào HTX, các thành viên được giao lưu, tập huấn, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
“Được anh Dũng hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật và định hướng thị trường, bao tiêu sản phẩm, gia đình tôi mạnh dạn mở rộng sản xuất từ 1ha lên 3ha, qua đó kinh tế gia đình phát triển hơn”, ông Ước thổ lộ.
Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phát cho hay, mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường 300 tấn cá giống và gần 400 tấn cá thương phẩm. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt khoảng 40 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 8 - 10 tỷ đồng. Do đó, các thành viên có của ăn, của để.
Dự kiến, thời gian tới anh Dũng sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất và đưa một số giống thuỷ sản mới có chất lượng cao vào nhân giống. Đồng thời anh sẽ xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.