Thức ăn tự nhiên - giải pháp giảm chi phí và môi trường bền vững
Để điều chỉnh lượng thức ăn và kích thích thức ăn tự nhiên trong ao nuôi tôm, một số hộ nuôi tôm đã ứng dụng mô hình ao nuôi dinh dưỡng. Qua đó sẽ quản lý được lượng thức ăn cũng như lượng chất thải trong ao nuôi để bổ sung chất dinh dưỡng thích hợp, cũng như cân bằng dinh dưỡng trong ao tôm, giúp tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trong ao, tăng khả năng miễn dịch cho tôm và tiết kiệm chi phí.
Ông Mã Văn Hồng - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên) cho biết: “Các hộ tham gia thực hiện mô hình đều cho kết quả tốt hơn so với những ao đối chứng, số hộ có lãi nhiều hơn. Hầu hết các ao nuôi đều vượt qua giai đoạn bệnh tôm chết sớm và có thời gian nuôi dài từ 65 đến 85 ngày tuổi, môi trường ổn định không có hàm lượng khí độc NH3, NO2 và mật số vi khuẩn có hại Vibrio trong ao rất thấp, không ảnh hưởng đến tôm nuôi”.
Nói về quy trình kỹ thuật của ao nuôi dinh dưỡng, ông Hồng chia sẻ: “Cách tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi là bổ sung nguồn carbohydrate, như: cám, bột bắp, bột đậu nành, rỉ đường (theo tỷ lệ với khối lượng thức ăn) vào môi trường nước 1 tuần trước khi thả để tạo thức ăn tự nhiên và trong giai đoạn nuôi, hàng ngày cũng đánh giá được các nguồn carbohydrate vào nước để duy trì nguồn thức ăn tự nhiên trong ao...”.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tổ chức Nghiên cứu khoa học Hà Lan (NOW) và Fish CRP, năm 2016, Trường Đại học Wageningen (Hà Lan), Trường Đại học Cần Thơ và WordFish cùng phối hợp triển khai thực hiện mô hình ao nuôi dinh dưỡng. Theo đó, có 4 hộ nuôi tôm tại ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 được chọn tham gia thực hiện mô hình. Qua 4 năm thực hiện mô hình trên ao nuôi tôm thẻ chân trắng về điều chỉnh lượng thức ăn chế biến và kích thích thức ăn tự nhiên trong ao tôm, kết quả, việc giảm 20% lượng thức ăn, kết hợp với bổ sung nguồn carbohydrate, giúp giảm chi phí khoảng 10% mà vẫn đảm bảo được năng suất.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Tới - Giảng viên Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: “Nhiều người nuôi tôm sử dụng thức ăn chỉ tập trung vào con tôm mà không để ý đến ao nuôi. Trong khi đó, tôm chỉ có khả năng hấp thu từ 20% đến 40% lượng thức ăn cho ăn, phần còn lại trở thành chất thải (phân, thức ăn dư) trong ao nuôi. Tuy nhiên, chất thải được xem là dinh dưỡng để kích thích tảo (màu nước) phát triển nhưng cũng là nguyên nhân làm giảm chất lượng nước trong ao nuôi tôm. Nhưng người nuôi tôm cũng có thể quản lý lượng thức ăn cho ăn cũng như là lượng chất thải bằng việc cung cấp thức ăn bổ dưỡng cho ao để nâng cao việc tái chế chất thải và tăng sản phẩm của thức ăn tự nhiên cho tôm. Qua đó, giảm lượng thức ăn cung cấp cho tôm, giảm chi phí và tạo ra môi trường bền vững cho ao nuôi…”.
Cũng theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Tới, sau thời gian 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm trên ao nuôi tôm về kết hợp của carbohydrate và điều chỉnh lượng của chất lượng thức ăn, có thể rút ra được công thức tối ưu để bổ sung nguồn carbohydrate đó là khi tôm nhỏ hơn 8gram thì bổ sung từ 750gram đến 1,25kg carbohydrate vào môi trường cho 1kg thức ăn tôm, còn khi tôm lớn hơn 8gram thì bổ sung vào môi trường từ 600gram đến 1kg carbohydrate cho 1kg thức ăn sử dụng để gây tạo hệ vi sinh vật có lợi và thức ăn tự nhiên trong ao một cách tốt nhất.
Thạc sĩ Võ Quốc Hào - cán bộ Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đánh giá: “Mỹ Xuyên là vùng tôm - lúa đặc trưng. Người nuôi tôm thường thả tôm thẻ với mật độ thưa (tầm 30 con/m2). Đây là một mô hình thích hợp để nuôi tôm sạch, nuôi tôm về size nhỏ, tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt việc sử dụng thức ăn công nghiệp, môi trường ổn định và giảm sức tải cho môi trường ao nuôi, qua đó hạn chế được mầm bệnh và giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm đối với mô hình thả thưa - ao nuôi dinh dưỡng tại đây”.
Tham khảo thêm: Ao dinh dưỡng - Hệ thống mới giảm chi phí nuôi tôm cá