TIN THỦY SẢN

Thương lái mua tôm giá cao bất thường: Tại sao?

Nông dân đang vui vì tôm bán được giá HOÀNG HẠNH – Đ.T.CHÁNH

Trong khi thương lái Trung Quốc đồng loạt nâng giá và đẩy mạnh việc thu mua tôm nguyên liệu tại Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong nước đứng ngồi không yên thì người nuôi tôm lại phấn khởi vì bán được giá cao.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng và các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản, hiện tượng thương lái mua tận thu tôm với giá cao để bán sang Trung Quốc sẽ là con dao hai lưỡi, nếu nông dân không tỉnh táo, lại bùng phát nuôi tôm tràn lan.

DN kêu khó, nông dân hưởng lợi

Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) liên tục gửi công văn về Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Thủy sản để phản ánh tình trạng nhiều thương lái gia tăng việc thu mua tôm tươi từ các tỉnh. Họ tiến hành ướp đá, bán cho Trung Quốc với số lượng lớn và tăng đột biến. Ngoài tôm sú, tôm thẻ chân trắng cỡ lớn, gần đây, thương lái còn thu mua cả tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ, loại trước đây họ không mua.

Theo VASEP, thương lái thường mua trực tiếp từ ao hoặc mua qua đại lý thu gom, rồi ướp đá đóng thùng xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Họ không mua với giá cố định mà mua với giá cao hơn DN trong nước từ 15-20%, không kể kích cỡ, chất lượng, thậm chí là tôm bơm chích tạp chất. Tình trạng trên sẽ khiến nhiều DN thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác.

Trái ngược với lo ngại của các thành viên VASEP, người nuôi tôm ở ĐBSCL phấn khởi ra mặt vì bán được giá cao. Ông Ngô Minh Nguyên, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), hồ hởi: “Tôi không quan tâm lắm đến thông tin Trung Quốc nâng giá thu mua như thế nào nhưng thực tế giá tôm đang tăng là có lợi cho nông dân”.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), cho biết từ đầu năm đến nay giá tôm nguyên liệu liên tục tăng mạnh. Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg hiện có giá 185.000 đồng/kg, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm thẻ chân trắng còn tăng mạnh hơn, cỡ 70 con/kg hiện có giá 139.000 đồng/kg, tăng 69,5% so với cùng kỳ.

“Đó là theo giá thị trường hiện nay, còn việc Trung Quốc thu mua với giá cao như thế nào thì chúng tôi chưa nắm cụ thể. Việc Trung Quốc đẩy cao giá thu mua tôm có lợi trước mắt đối với nông dân và các DN chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng lại là vấn đề đối với các DN làm ăn với những thị trường khác. Nếu như sự cạnh tranh thu mua đó không lành mạnh sẽ đẩy nhiều DN vào tình cảnh thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, hoặc ảnh hưởng đến uy tín tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Thuận nhận định.

Phải thận trọng

Theo ông Thuận, với dân số hơn 1,6 tỷ người lại có đường biên giới với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tôm lớn cần hướng đến. Thực tế những năm qua, Trung Quốc đã là một trong những thị trường quan trọng đối với ngành tôm Việt Nam. Thị trường này mới chỉ xấp xỉ với thị trường EU.

Tuy tôm giá cao song vẫn cần thận trọng khi đổ xô vào nuôi theo cảm tính

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu sang Trung Quốc trên 5,5 ngàn tấn tôm, chiếm gần 14% thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường EU là trên 6,5 ngàn tấn, chiếm trên 16%. Tuy nhiên, làm ăn với Trung Quốc cũng phải thận trọng bởi khả năng bị quỵt hoặc mất uy tín do không bị rào cản vi lượng kháng sinh.

Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, việc thương lái Trung Quốc ồ ạt sang một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng thu mua tôm nguyên liệu với giá cao trước đây rất ít xảy ra. Việc thu mua này chỉ mới bắt đầu từ đầu năm 2013 đến nay. Các thương lái Trung Quốc thu mua tôm trong dân thông qua hệ thống thương lái ở các địa phương.

Theo ông Bằng, hiện tượng này cũng từng xuất hiện tại Cà Mau vào khoảng tháng 8/2013. Thời điểm này có một DN Trung Quốc sang liên kết với DN thu mua đóng trên địa bàn TP Cà Mau, thuê nhà máy chế biến thủy sản Nam Long gia công chế biến tôm.

Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên chỉ gia công tôm nguyên liệu được vài ngày rồi ngưng hoạt động (sản lượng gia công ước khoảng 15 tấn), đến nay DN Trung Quốc này đã về nước. “Ở Cà Mau hiện tại không phát hiện tình trạng thu mua tôm nguyên liệu của thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, ở các địa phương như Bạc Liêu, Sóc Trăng thì tình trạng này diễn ra nhiều, hình thức mua tôm nuôi tại đầm rồi đóng thùng xốp chuyển về Trung Quốc, với sản lượng lên đến từ 5-10 tấn/ngày”, ông Bằng nói.

Nhìn nhận về vấn đề có hay không tình trạng bất thường? Ông Bằng cho rằng, tính đến thời điểm này chúng ta chưa phát hiện bất kỳ một dấu hiệu nào bất thường mang tính chất phá hoại. Nhưng khi làm ăn thì cũng cần nên đề cao cảnh giác. Chúng ta đã từng nếm bài học từ việc thương lái Trung Quốc thu mua cua biển với giá cao, rồi sau đó quỵt nợ khiến nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng này phải lao đao.

Nói một cách khác, việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu của Việt Nam đang là cơ hội cho người nuôi tôm phát triển vì bà con bán được giá cao. Nhưng nó cũng làm cho không ít DN thủy sản trong nước phải gặp khó trong việc cạnh tranh mặt hàng tôm nguyên liệu để SX.

Cũng theo ông Bằng, nếu nhìn nhận ở một góc độ khác, việc hợp tác xuất khẩu hàng tôm nguyên liệu đông lạnh sang thị trường Trung Quốc của một số DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tăng trưởng rất tốt. Cụ thể như Cty Anh Khoa, Hòa Trung, FFC, Minh Cường. Đây là thị trường tiềm năng sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Thời gian qua chưa phát hiện tranh chấp, trở ngại gì lớn trong quá trình hợp tác kinh doanh.

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết, tỉnh có 2 vùng nuôi tôm chủ yếu là U Minh Thượng (vùng nuôi quảng canh tôm – lúa) và Tứ giác Long Xuyên (vùng nuôi thâm canh công nghiệp). Từ đầu năm đến nay các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch được khoảng 30.000 tấn tôm nuôi, thấp hơn kế hoạch đề ra (cả năm là 47.000 tấn) do diện tích nuôi công nghiệp bị dịch bệnh, DN giảm diện tích thả nuôi, chỉ đạt 1.200/2.000 ha kế hoạch.

Theo ông Thanh, tôm nguyên liệu được đưa vào các nhà máy tại Kiên Giang chế biến, xuất khẩu rất ít, do tỉnh chỉ có 2-3 nhà máy làm mặt hàng tôm đông lạnh. Phần lớn tôm sau khi thu hoạch được các Cty hoặc thương lái thu mua đưa qua các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… tiêu thụ là chính. Do đó, việc có thương lái Trung Quốc đứng ra thu mua để đẩy giá tôm nguyên liệu tăng cao hay không địa phương không nắm được.

Còn theo ông Ngô Quang Bình, Trưởng phòng Quản lý XNK, Sở Công thương Kiên Giang thì từ đầu năm đến nay, các nhà máy trong tỉnh chỉ chế biến xuất khẩu trực tiếp được 3.114 tấn tôm đông lạnh. Thị trường chủ yếu của các DN xuất khẩu tôm của Kiên Giang là Nhật Bản, Nga, Úc, Anh… Thị trường Trung Quốc có nhập tôm đông lạnh từ các DN của Kiên Giang nhưng số lượng rất hạn chế.

Ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn), chuyên gia nuôi tôm - được mệnh danh là vua tôm Bạc Liêu, cho biết nguyên nhân tôm nguyên liệu hút hàng ở Trung Quốc là do các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… tôm nuôi bị dịch bệnh, sản lượng chỉ còn 50%.

Một mặt cho rằng tôm nguyên liệu giá cao như hiện nay, nhất là việc Trung Quốc thu mua ồ ạt là cơ hội cho bà con nuôi tôm, mặt khác “vua tôm” Sáu Ngoãn vẫn cảnh báo người nuôi tôm cần phải thận trọng: “Với kiểu thu mua như hiện nay của Trung Quốc sẽ là con dao hai lưỡi đối với người nuôi tôm. Hiện tượng này rất dễ dẫn đến tình trạng người người đổ xô nuôi tôm một cách bột phát, không kiểm soát. Việc nuôi tôm theo cảm tính như vậy sẽ rất dễ thất bại”.

HOÀNG HẠNH – Đ.T.CHÁNH Báo Nông Nghiệp Việt Nam