Thương mại Việt - Nga sẽ tăng trưởng mạnh
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEUV - FTA) gồm 5 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan giúp cho mục tiêu kim ngạch song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 sớm thành hiện thực.
Mục tiêu 10 tỷ USD
EEUV - FTA đã chính thức được ký kết sau hơn 2 năm đàm phán. Theo Bộ Tài chính, lợi ích Việt Nam có được từ FTA này là Liên minh cam kết xóa bỏ ngay thuế NK đối với một số mặt hàng nông, thủy sản XK chủ lực của Việt Nam như thuỷ sản, cá chế biến, ngũ cốc, rau quả chế biến; gạo (lượng hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn) và các loại hoa quả nhiệt đới… sẽ tạo điều kiện cho các DN Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường XK. Những thuận lợi này cũng mở ra cơ hội đẩy mạnh XK hàng Việt vào Nga.
Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Nga là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới nên đây là cơ hội XK của Việt Nam.
Ông Maxim Golikov, Trưởng Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, nếu trong những năm 2005-2009, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga trung bình vào khoảng 1,1 tỷ USD/năm, thì trong giai đoạn 2010-2014, con số này đã tăng gấp 3 lần và đạt gần 3,5 tỷ USD. Thương mại Việt Nga sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới khi Hiệp định này được ký kết. “Kim ngạch thương mại đầu tư song phương sẽ cao hơn, đạt và vượt 10 tỷ USD vào năm 2020”, ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhận định.
Phía DN cũng kỳ vọng rất lớn vào thị trường Nga. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Chế biến Lâm sản Việt Nam cho hay, hiện nay XK đồ gỗ sang thị trường Nga chỉ khoảng 40-50 triệu USD nhưng khi EEUV - FTA ký kết, thị trường Nga được đánh giá là thị trường XK lớn thứ 3 của đồ gỗ sau Mỹ, EU. Với ngành thủy sản, Hiệp định này vừa giúp các DN được hưởng ưu đãi về thuế vừa đem lại một loạt các thỏa thuận thương mại về kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch sản phẩm (SPS). Khi EEUV - FTA có hiệu lực, các hàng rào kỹ thuật này sẽ được thống nhất trên nguyên tắc minh bạch, đúng với thông lệ quốc tế. Với những quy tắc như thế, DN XK thủy sản Việt Nam sẽ tránh được rất nhiều rủi ro về các yêu cầu an toàn thực phẩm XK”, một đại diện của Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam đánh giá.
Có thoát các rào cản?
Lẽ thường, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Dù Nga là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới tạo cơ hội XK cho Việt Nam, nhưng ông Minh cũng không ngại nói về những thách thức mà DN Việt Nam cần lưu ý khi XK sang thị trường này. Trước hết, tiềm năng của thị trường Nga rất lớn nhưng thông tin thị trường còn ít do DN Việt Nam hướng tập trung vào thị trường khác có sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Vấn đề nữa là thuế của Nga rất cao. Ví dụ như ngành gỗ, Nga áp dụng hệ thống giám sát đánh vào trọng lượng, trong khi đồ gỗ rất nặng nên mức thuế, phí cao nên XK gỗ vào Nga khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi Hiệp định này được ký sẽ giảm rào cản về thuế, tạo thuận lợi cho DN hơn.
Một thách thức khác cho DN Việt Nam là vấn đề thanh toán làm cản trở thương mại hai nước, đặc biệt với DN nhỏ và vừa Việt Nam. Theo ông Minh, tập quán thanh toán của Nga là T/T chứ không mở tín dụng thư (L/C), tức là họ thường đề nghị thanh toán trả chậm, đặt cọc trước 10-12% sau đó giao hàng và thanh toán tiếp. Đây là rào cản khiến nhiều DN e ngại. Tuy nhiên, nhiều DN làm ăn lâu năm tại Nga cho rằng, DN Nga rất đáng tin cậy, dù thanh toán theo hình thức L/C nhưng ít xảy ra tranh chấp. Ở Nga, mở L/C quy định khá chặt như thế chấp cao, khiến chi phí cao, giá hàng cao, gây khó khăn, trở ngại cho DN Việt Nam. Tuy vậy, hai bên đang thúc đẩy cơ chế thanh toán song phương, hy vọng hợp tác thương mại hai bên sẽ có nhiều khởi sắc.
Vấn đề về chất lượng với hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang là thách thức cho DN Việt Nam. Do vậy, ông Minh cho rằng, cần phải cung cấp thông tin cho DN nắm bắt chính xác về quy định chất lượng của Nga, Liên minh Á - Âu với các mặt hàng này. “Tôi nghĩ sắp tới vấn đề này sẽ được giải quyết bởi hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT làm việc với một số cơ quan quản lý của Liên bang Nga để tháo gỡ rào cản này, nhằm mục tiêu trong thời gian tới tăng nhiều hơn số lượng DN Việt Nam được phép XK hàng thủy sản, gia súc, gia cầm vào thị trường Nga và Liên minh Á - Âu”, ông Minh cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Quyền cho biết, Nhà nước hiện đang rất ủng hộ XK sang Nga nhưng chính sách để DN XK sang đây vẫn không rõ. “XK sang Nga khó bởi đây là thị trường đóng, chưa mở, thuế suất XNK cao, thủ tục hành chính nặng nề. Do vậy, nên có chính sách xúc tiến thương mại với thị trường Nga”, ông Quyền cho hay.
Những nội dung chính của Hiệp định EEUV-FTA
Ngày 29-5-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Cộng hòa Kazakhsatn tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEUV - FTA). Hiệp định này là một sự kiện lịch sử đối với Liên minh bởi Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh. Việt Nam cũng là đối tác chiến lược của Liên minh tại Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua.
Về hàng hóa, Liên minh Kinh tế Á - Âu đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.
Một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực Chương về SPS, trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan, công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.
Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy là các mặt hàng phía Liên minh coi thuộc diện ưu tiên và đã được Việt Nam đồng ý mở cửa ngay, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc... Nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của phía bạn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu nông sản nên dự báo trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt bởi việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh.
Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm.
Những nội dung về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phát triển bền vững... của Hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA ta đã ký hoặc đang đàm phán, tạo khung khổ để hai bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp. Hiệp Hòa (tổng hợp)