Thủy sản Phương Nam trả lãi 200 tỷ đồng mỗi năm
Nợ quá lớn nên mỗi năm Công ty Phương Nam đóng lãi khoảng 200 tỷ đồng. Vốn vay ngắn hạn được đầu tư vào tài sản cố định kém hiệu quả cũng là nguyên nhân làm cho đại gia thủy sản lún vào nợ nần.
Lãnh đạo một ngân hàng chủ nợ cho biết thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam, ông Huỳnh Phúc Quế ký thư mời 7 ngân hàng dự họp, bàn phương án tái cơ cấu doanh nghiệp vào sáng 5/11. Đây là động thái mới nhất của Công ty Phương Nam khi Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân cùng gia đình tiếp tục ở Mỹ, cáo bệnh không về nước.
Tuần trước, nhiều ngân hàng tỏ ra không hài lòng khi hay tin UBND tỉnh Sóc Trăng họp bàn chuyện nợ nần của Công ty Phương Nam nhưng chỉ có sự tham dự của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Sóc Trăng (Agribank) với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, Sở Giao dịch Hậu Giang). Lý giải điều này, lãnh đạo Agribank Sóc Trăng cho biết Công ty Phương Nam thế chấp tài sản gồm nhà xưởng, quyền sử dụng đất và các thiết bị có liên quan tại nhà máy chính cho Agribank và LienVietPostBank, còn các chủ nợ ngân hàng khác nhận thế chấp tài sản ngoài khuôn viên nhà máy.
Theo nguồn tin riêng của VnExpress.net, có ít nhất 5 ngân hàng cho Công ty Phương Nam vay vốn bằng tài sản thế chấp là nhà xưởng, thiết bị xưởng mở rộng, xưởng tôm chiên, tôm cá qua chế biến thành phẩm, hàng tồn kho (3 ngân hàng) và tôm đông lạnh các loại với quyền đòi nợ. Hiện hàng tồn kho chưa có con số thống kê cụ thể bởi cơ quan chức năng chưa thông tin là còn trong kho hay đã xuất bán. Đối với tài sản cố định, có 6 ngân hàng nắm giữ tài sản trị giá khoảng 566 tỷ đồng gồm nhà xưởng, máy móc, nhà ở, đất đai, căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, khu phố Riverside và nhà ở khu Mỹ Thái.
Trong báo cáo của một ngân hàng đã nhận xét nguyên nhân dẫn đến nợ nần của Công ty Phương Nam là lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản vì đây là một ngành đòi hỏi nhu cầu vốn lớn và vốn vay chiếm tỷ trọng cao. Trong quá trình kinh doanh, Công ty Phương Nam có sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn đầu tư vào các hạng mục tài sản cố định kém hiệu quả, không sinh lợi nhuận dẫn đến mất cân đối trong tổng tài sản. Với số nợ trên 1.600 tỷ đồng, mỗi năm công ty phải trả lãi khoảng 200 tỷ đồng, đó là chưa tính lương công nhân, chi phí điện nước... đã làm cho doanh nghiệp ngày càng lún sâu vào nợ nần.
Tòa lâu đài của ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam. Nơi đây đã được thế chấp cho một ngân hàng có chi nhánh ở Sóc Trăng. Ảnh: Thiên Phước
Điểm khác biệt của Công ty Phương Nam với Công ty Bình An là khi đại gia Diệu Hiền đi Mỹ trị bệnh thì chồng là ông Trần Văn Trí xin nghỉ việc Nhà nước để cán đáng mọi chuyện của vợ, ngược xuôi Bắc – Nam tìm cách giải cứu Bianfishco. Còn Công ty Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân (đại diện theo pháp luật) đi Mỹ hơn một năm (cùng với gia đình) đã ủy quyền cho ông Huỳnh Phúc Quế nhưng vị lãnh đạo 32 tuổi này không tạo được niềm tin và tín nhiệm nơi chủ nợ.
Một chuyên gia trong ngành thủy sản và am hiểu về ngân hàng cho rằng Công ty Phương Nam muốn tái cấu trúc thành công thì 7 ngân hàng phải có sự đồng thuận với nhau về phương án xử lý nợ. Nếu cần, các ngân hàng nên góp vốn bằng nợ đã cho doanh nghiệp vay nhưng không quá 11% và chọn ra nhà đầu tư có đủ tầm để tham gia tái cơ cấu toàn diện theo cách lấy bài học của Công ty Bình An chớ không thể tiếp tục để cho ông Quế đại diện cho ông Khuân mãi.
Theo nhà đầu tư muốn tham gia góp vốn vào Công ty Phương Nam thì có nhiều lý do để giải cứu doanh nghiệp này. Cụ thể, Công ty Phương Nam là một trong những thương hiệu thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có uy tín trên thị trường quốc tế. Thiết bị, máy móc của nhà máy phần lớn được nhập khẩu mới 100% từ Nhật, Mỹ, Đức và công suất thiết kế tiêu thụ đến 50.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Vào mùa thu hoạch tôm cao điểm, doanh nghiệp này tạo công ăn việc làm cho đến 2.500 lao động đang được xem là yếu tố tạo nên “ích nước lợi nhà”.
Từ một nhà máy có kim ngạch xuất khẩu hơn 21 triệu USD vào năm 2003, năm 2007 Công ty Phương Nam đạt đến 91 triệu USD và năm 2011 đứng vào top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiêu biểu của cả nước. Chính vì điều này mà hiện nay nhiều khách hàng tại Nhật, Mỹ đang trông chờ vào sự hồi sinh của Công ty Phương Nam để ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu tôm đông lạnh.