Tiền Hải: Chủ động tiêu nước vùng nuôi trồng thủy sản
Những ngày qua, gia đình anh Nguyễn Văn Nhàn, thôn Chí Cường, xã Nam Cường rất lo lắng vì thời tiết diễn biến cực đoan gây mưa kéo dài nhiều ngày, khi mà diện tích nuôi tôm gần 1 tháng nữa mới cho thu hoạch.
Anh Nhàn chia sẻ: Đợt mưa vừa qua và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, gia đình tôi đã phải nỗ lực bơm nước trong ao nuôi để tránh bị ngập gây ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích nuôi tôm. Đồng thời, giám sát chặt chẽ sự sinh trưởng của tôm, chủ động phòng bệnh khi thời tiết thay đổi.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tình hình thời tiết, khí hậu có những diễn biến phức tạp, khó lường và có khả năng tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng trong những ngày tới. Để phòng, chống ngập tràn bờ bao cho diện tích nuôi thủy sản, anh Nhàn đã chủ động máy móc, nhân lực bơm thoát nước nếu có mưa lớn xảy ra, đồng thời quây lưới xung quanh bờ bảo vệ diện tích tôm không để thất thoát, gây thiệt hại về kinh tế.
Gia đình ông Trần Xuân Biên, thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú có khoảng 1,5ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng và cá chim. Hiện nay, gia đình ông Biên đã gia cố thêm bờ ao cao hơn mực nước ngập và chuẩn bị hàng trăm mét lưới, cọc tre, máy bơm để bảo vệ cho diện tích nuôi thủy sản. Ngoài ra, ông Biên còn chú trọng công tác phòng, chống bệnh cho đối tượng thủy sản khi mưa kéo dài nhiều ngày trên diện rộng gây thay đổi môi trường ao nuôi và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh.
Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra, huyện Tiền Hải đã chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chống tràn bờ bao, tiêu nước, phòng bệnh cho động vật thủy sản. Để bảo đảm việc tiêu thoát nước của hệ thống thủy nông vùng nuôi trồng thủy sản sau bão số 3, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai khơi thông dòng chảy, tập trung nạo vét kênh mương, gia cố lại bờ vùng. Ngoài ra, chỉ đạo công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất cũng như lên phương án chống ngập nước cụ thể tới các địa phương và nhân dân theo nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương khi có thiên tai xảy ra. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhất là trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở về các biện pháp bảo vệ thủy sản trong mùa mưa bão. Thông báo kịp thời tình hình mưa bão đến các hộ nuôi thủy sản để sớm lên phương án bảo vệ, tránh thiệt hại về kinh tế.
Ngoài ra, huyện cũng khuyến cáo khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nước ao nuôi dễ bị phân tầng trên ngọt dưới mặn, xảy ra tình trạng thiếu ô xy tầng đáy khiến cho mầm bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng. Bà con nông dân cũng cần chủ động các biện pháp khắc phục kịp thời để giảm mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong đó, sử dụng quạt nước, sục khí hoặc máy bơm, bơm đảo nước trong ao chống phân tầng của nước, chủ động tháo tầng mặt giảm bớt lượng nước mưa có trong ao. Tiến hành rắc vôi bột hoặc những chế phẩm để ổn định độ pH nước ao nuôi. Yêu cầu các địa phương kiểm tra các công trình thủy lợi, chuẩn bị máy bơm, rà soát các sông trục, sông dẫn nếu có đăng, đó, vó bè cần tiến hành thu dỡ, xử lý nghiêm bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời.