Tôm, cá xuất khẩu rớt giá
Cá tra nguyên liệu xuất khẩu được thương lái mua tại ao khoảng 22.000 đồng/kg. Người nuôi đang lỗ 1.000-2.000 đồng/kg.
Xuất khẩu thủy sản cả nước trong những tháng đầu năm 2015 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ trong vòng năm năm qua về số lượng lẫn giá trị. Áp lực giảm giá bán ở nhiều thị trường khiến giá cá tra, tôm vẫn ở mức thấp, nông dân đang phải chịu lỗ. Nếu tình trạng này kéo dài, nông dân treo ao thì ngành xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến trầm trọng, mất thị trường.
Tắc ngoại, khó nội
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin nguyên nhân đầu tiên khiến xuất khẩu thủy sản sụt giảm ở thị trường Mỹ là do doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang bị đánh thuế chống bán phá giá ở mức cao. Nguyên nhân thứ hai là biến động tỉ giá ngoại tệ, sự tăng giá mạnh của đồng USD so với một loạt ngoại tệ khác như euro, yen Nhật… Khách hàng tại các thị trường này hạn chế nhập khẩu hoặc tìm cách giảm giá mua. Xuất khẩu sang hai thị trường chính EU và Nhật Bản vốn đã sụt giảm từ năm trước nay lại càng khó khăn. Giá xuất khẩu bị giảm mạnh, nhất là mặt hàng tôm do cạnh tranh với tôm Ấn Độ (đang vào vụ, giá thấp, không đủ cơ sở hạ tầng để trữ hàng).
Áp lực tỉ giá không chỉ hạn chế đáng kể việc nhập khẩu thủy sản ở những thị trường này mà còn tác động tới lợi nhuận của các DN xuất khẩu Việt Nam.
Ồng Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO), chia sẻ: “Những tháng đầu năm nay, sản lượng các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của DN vẫn tăng nhưng lợi nhuận không tăng. Các thị trường tiếp tục chèn giá bán thủy sản ViệtNam. Giá bán sang thị trường châu Âu buộc lòng phải giảm từ 10% đến 15% từ đầu năm 2015 đến nay”.
Những khó khăn của xuất khẩu làm cho thị trường nội địa khó khăn. Giá tôm, cá nguyên liệu giảm, người nuôi lỗ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, một hộ nông dân nuôi cá tra ở Ô Môn (Cần Thơ) cho biết những ngày cuối tháng 5 này giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu được thương lái mua tại ao khoảng 22.000 đồng/kg. Người nuôi đang lỗ 1.000-2.000 đồng/kg.
Con tôm cũng cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho hay hiện tôm thẻ chân trắng giảm 15.000-20.000 đồng/kg (so với giá giữa tháng 3-2015). Tôm sú hiện cũng giảm 10.000-15.000 đồng/kg so với đầu năm. Lợi nhuận từ tôm của người nuôi sụt giảm mạnh.
Giá xuất khẩu thiếu cạnh tranh
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay đa dạng thị trường tuy cũ nhưng vẫn là giải pháp mới mà nhiều DN Việt chưa làm được. Cạnh đó, việc xúc tiến thương mại, mở thị trường mới của cơ quan quản lý địa phương, bộ ngành vẫn thiếu hiệu quả, chưa có động thái tích cực nào trong kết nối cung, cầu hay tìm hiểu, xâm nhập thị trường mới… Những nước lân cận như Thái Lan mỗi năm họ đổi mới hình thức xúc tiến thương mại rất đa dạng. Thái Lan ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực xúc tiến thương mại hỗ trợ DN rất tốt về thông tin thị trường, đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm, tổ chức sự kiện xúc tiến, mạng lưới văn phòng đại diện ở nước ngoài hoạt động hiệu quả cập nhật tốt thông tin về nhu cầu, sự biến động của thị trường…
“DN chế biến thủy sản nước ta cần chú trọng đến đa dạng sản phẩm, thiết kế bao bì sản phẩm chứ không chỉ dừng ở hàng đông lạnh. Sản phẩm chế biến phong phú, tiện lợi sẽ tạo thêm nhu cầu mới và có giá trị gia tăng cao cho DN” - ông Lĩnh góp ý.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, khó khăn chung của DN xuất khẩu thủy sản trong nước hiện nay là giá bán cao vì giá thành cao. Trong khi đó, giá bán của Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… lại cạnh tranh hơn. Vì vậy, muốn bán được hàng bắt buộc DN trong nước phải có sản phẩm giá cạnh tranh hơn. “DN cần tối ưu hóa giá thành của mình. Khoảng 70% chi phí giá thành sản phẩm thủy sản là nguyên liệu. Vì thế DN cần có sự đầu tư dài hạn đề giảm chi phí sản xuất nguyên liệu đầu vào. Nhà nước cần quan tâm tối đa cho hoạt động lưu thông phân phối, kiểm soát giảm chi phí đầu vào cho người nuôi” - ông Hòe nói.
Lo người nuôi “treo ao”
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với nhiều yếu tố tác động đến tình hình thị trường, rất khó dự báo chính xác xuất khẩu thủy sản trong năm nay sẽ ra sao. Tuy nhiên, việc nới lỏng tỉ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã tác động tích cực cho xuất khẩu thủy sản. Tới đây, nếu thị trường xuất khẩu tốt hơn, tiêu thụ tăng hơn trong quý II và III-2015, giá nguyên liệu tôm, cá tra trong nước sẽ tăng theo.Vì vậy, người nuôi, DN phải hết sức bình tĩnh, có những điều chỉnh quan trọng để tránh thiếu hụt nguyên liệu quá lớn. Như con tôm, giờ không thả nuôi thì đến tháng 7-8 sẽ không có tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Khi thị trường chuyển biến tốt, các nước xuất khẩu khác giảm lượng cung, giá tăng cao thì thủy sản nước ta lại mất đi cơ hội. Cần có sự phối hợp thông tin, liên kết giữa DN xuất khẩu và người nuôi để tính toán kỹ lưỡng về xu hướng, giá thành, đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I chỉ đạt gần 1,3 tỉ USD giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường nhập khẩu nhiều thủy sản Việt Nam nhất là Mỹ đã có sự sụt giảm. Trong ba tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 260 triệu USD, giảm gần 34% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm đáng kể, hơn 15%; châu Âu giảm hơn 10%...
(Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam)