Tôm sú, tôm càng “đầu hàng” tôm thẻ
Chạy theo lợi nhuận trước mắt, người dân nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ con tôm truyền thống (tôm càng xanh, tôm sú), đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng. Các ngành chức năng đã cảnh báo, việc gia tăng quá nhanh diện tích nuôi tôm thẻ sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Ồ ạt “xé rào” nuôi tôm thẻ chân trắng
Huyện Tam Nông (Đồng Tháp) từng được ví là “thủ phủ” của con tôm càng xanh vùng đồng Tháp Mười với mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vì thua lỗ liên tục nhiều năm liền nên từ năm 2014 đến nay, một số hộ nuôi tôm (tập trung ở xã An Hòa và Phú Thành B) đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Mặc dù ngành chức năng không khuyến khích nuôi, song đến nay toàn huyện này đã có tới 66ha tôm thẻ chân trắng.
Để có thể nuôi loại tôm này, người dân đã phải lấy nước từ giếng khoan và pha muối. Theo thống kê, toàn huyện Tam Nông hiện có 33 giếng nước ngầm có độ sâu từ 60 - 80m được sử dụng để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Anh Lê Hữu Nghị ở xã Phú Thuận B cho biết, gia đình anh không còn mặn mà với con tôm càng xanh nên đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đã có 2 vụ tôm thành công. “Mình lấy nước giếng, pha thêm muối vào nữa tôm mới phát triển tốt. Trung bình cứ 1ha pha khoảng 500kg muối” – anh Nghị nói.
Nhiều nông dân cũng hồ hởi cho biết, so với nuôi tôm càng xanh, nuôi tôm thẻ chân trắng có năng suất và giá bán cao hơn, trong khi thời gian nuôi chỉ khoảng 2 tháng nên dễ xoay vòng vốn. Ông Bùi Quang Trung (xã Phú Thuận B) chia sẻ: “Vụ trước tôi nuôi tôm càng xanh, bị lỗ gần 500 triệu đồng. Mới đây, tôi đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, chỉ sau hơn 2 tháng nuôi đã lời hơn 100 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhận thấy nhiều nông dân huyện Tam Nông có lợi nhuận cao từ nuôi tôm thẻ, người dân nhiều địa phương khác như Hồng Ngự, Cao Lãnh... cũng ồ ạt nuôi theo. Ngoài những hộ chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng, cũng có nhiều hộ có “sáng kiến” nuôi tôm thẻ kết hợp với tôm càng xanh mật độ thấp, điển hình như hộ ông Lê Văn Hoàng ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông. Ông Hoàng giải thích: “Hai loài tôm nuôi chung được là vì chúng có cùng loại thức ăn, có thể sống cộng sinh với nhau, tôm càng xanh lại ăn xác tôm thẻ chân trắng lột ra, góp phần làm sạch đáy ao nên người nuôi cũng ít cần sử dụng quạt nước”.
Tương tự, thời gian qua một số vùng thuộc tỉnh Kiên Giang người dân cũng lén lút “xé rào” thả nuôi tôm thẻ chân trắng, điển hình là tại các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận.
Không nuôi trên vùng nước ngọt
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Nông thông tin: “Theo chỉ đạo từ cấp trên, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra và không cho mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong thời gian tới, đồng thời sẽ lấp những giếng khoan để lấy nước nuôi tôm. Chủ trương chung của tỉnh là không cho phép nuôi trên vùng nước ngọt”. Trước thực trạng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng có chiều hướng tăng nhanh, từ đầu năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều cuộc họp, đồng thời có nhiều chỉ đạo, khuyến cáo người dân ngưng mở rộng diện tích. Riêng những giếng khoan đang được khai thác để nuôi tôm thì tiến hành các bước trám lập.
Theo ông Đoàn Trí Vững – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, thực tế đã có nhiều hệ lụy trong nuôi tôm ở vùng nước ngọt. Cụ thể là gây mặn hoá vùng nuôi, ô nhiễm nguồn nước ngầm, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa, gây ra tình trạng sụt lún đất... Ngoài ra, mầm bệnh trên tôm thẻ chân trắng có thể lây sang các đối tượng nuôi truyền thống như tôm càng xanh.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, mới đây, Văn phòng Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở NNPTNT đối với việc phát triển thuỷ sản trên địa bàn huyện An Minh, trong đó các phòng chuyên môn huyện An Minh cần lưu ý không cho người dân nuôi tôm trên nền đất lúa để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Quan điểm của Sở là chỉ cho phép nuôi tôm thẻ theo hình thức công nghiệp chứ không khuyến cáo thả nuôi theo mô hình tôm – lúa.
Nguyên nhân tăng diện tích tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh là do tôm sú đầu vụ chết gần hết do hạn, mặn, sau đó người dân đã thả nuôi tôm thẻ để thu hoạch nhanh, hy vọng cải thiện thu nhập. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi mới, phải được chăm sóc kỹ lưỡng, đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu bà con đổ xô nuôi, rất dễ xảy ra được mùa, dội chợ”. Ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở NNTNT tỉnh Kiên Giang