Tôm và cá tra tăng giá do nhu cầu thu mua lớn của các doanh nghiệp
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng giá sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do nhu cầu thu mua của các công ty khá lớn trong bối cảnh tồn kho giảm và nguồn cung dự báo thiếu hụt trong cả năm 2017.
Cụ thể, so với thời điểm cuối tháng Giêng, giá cá tra nguyên liệu loại một (800gram/con) hiện nay tăng khoảng 2.500 đồng/kg, chạm ngưỡng 25.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, theo đó sẽ đẩy giá lên mức trên 25.000 đồng/kg.
Đặc biệt, trong tháng mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm chất lượng nước nuôi không ổn định tạo cơ hội cho các bệnh như xuất huyết, bệnh gan thận mủ trên cá tra nuôi thâm canh và cá nuôi lồng, bè phát triển ảnh hưởng đến nguồn cung các sản phẩm cá tra.
Do đó mặc dù giá cá tra hiện đang duy trì ở mức cao dao động từ 23.000 – 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ thời điểm năm ngoái, tuy nhiên người nuôi cũng không thể tận dụng được cơ hội giá cá đang lên. Sản lượng thu hoạch cá tra hai tháng đầu năm cũng chỉ ước đạt khoảng 179.700 tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh mặt hàng cá tra, từ đầu tháng 2/2017 đến nay, giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tăng mạnh do các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu sớm hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết.
Cụ thể, tại các vùng nuôi trọng điểm như tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng... giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được thương lái thu mua từ 230.000 - 240.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với trước Tết. Loại 40 con/kg giá 180.000 - 190.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 150.000-165.000 đồng/kg, 60 con/kg giá 140.000- 150.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Thậm chí, các loại tôm nói trên nếu thu hoạch sống, sục oxy để bán cho các nhà hàng, quán nhậu còn có giá cao hơn khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá tôm nguyên liệu sẽ ổn định ở mức cao hoặc tăng thêm nữa, do hiện mới là đầu vụ, ít nhất phải 3 tháng nữa mới có tôm thu hoạch rộ.
Hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện các bước cải tạo ao đầm, chuẩn bị và bắt đầu thả nuôi tôm nước lợ vụ mới. Các tỉnh miền nam thời tiết diễn biến thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, kèm theo những cơn mưa trái mùa tác động xấu đến môi trường nước nuôi, tạo thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên tôm bùng phát. Do đó tiến độ thả nuôi tôm bị chậm lại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn địa phương hướng dẫn người nuôi thực hiện khung mùa vụ thả tôm nước lợ năm 2017 và biện pháp cải tạo ao nuôi, phòng chống dịch bệnh trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo đó, tình hình sản xuất tôm nước lợ năm nay dự báo sẽ có nhiều khả quan hơn so với năm 2016. Diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước ước đạt hiện đạt 448.000ha, ước sản lượng thu hoạch 2/2017 là 43.700tấn.
Trong số đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tôm sú đạt 426.200ha (tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái) với sản lượng thu hoạch 2 tháng đầu năm là 27.600 tấn (tăng 23,2%), diện tích tôm thẻ chân trắng hiện tại là 12.500ha (tăng 22,4%) với sản lượng đạt 11.800 tấn (tăng 24%)./.