TIN THỦY SẢN

Từ cá tra... đến cá tầm

Cá tầm bố mẹ hậu bị ở Cty TNHH TMĐT Việt Đức

Cách đây hơn 30 năm, thành công của nghề nuôi tôm đã tạo ra bước ngoặt lớn trong nghề cá Việt Nam. Sau đó 15 năm, cá tra lại trở thành hiện tượng có tầm ảnh hưởng không ch ỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia. Và lúc này, ph ải ch ăng đã đến thời cơ ch o một loài mới – cá tầm – đi vào lịch sử ngành thủy sản Việt Nam?

Cá tầm – loài cá cổ đại đang bị tận diệt

Cá tầm là một trong những loài cá cổ xưa nhất trên trái đất, xuất hiện từ khoảng 200 triệu năm trước, phân bố trong vùng nước ngọt nội thủy và vùng biển có nhiệt độ thấp từ cận nhiệt đới đến cận Bắc Cực ở Bắc Mỹ và lục địa Á - Âu. Có 25 loài cá tầm khác nhau trên thế giới, tất cả đều thuộc họ Acipenseridae.

Từ lâu, cá tầm đã được khai thác, chủ yếu để lấy trứng và bong bóng. Mỗi kg trứng cá tầm (gọi là caviar), tùy theo loài, màu sắc, kích cỡ và chất lượng, có giá từ 1.000 đến hơn 10.000 USD ở Tây Âu và Mỹ. Không chỉ là món ăn quý, giàu dinh dưỡng, trứng cá tầm còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các loại mỹ phẩm cao cấp.

Ngoài sản phẩm chính là trứng cá muối, cá tầm cũng được khai thác để lấy thịt. Thịt cá tầm trắng mịn, có vân vàng, dai, vị béo ngậy, rất bổ dưỡng và nổi tiếng thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món hoặc phơi khô, hun khói hay ướp muối ăn dần. Các bộ phận khác như bóng cá, vây cá, v.v... đều có giá trị sử dụng cao.

Cùng với sự suy thoái của môi trường sinh thái, giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao đã khiến nguồn lợi cá tầm tự nhiên bị khai thác đến mức tận diệt. Mặc cho cường lực khai thác ngày càng tăng, sản lượng cá tầm của thế giới liên tục giảm với tốc độ chóng mặt, từ mức đỉnh cao 32.078 tấn năm 1977 xuống chỉ còn chưa đầy 2.000 tấn năm 2000.

Trước sự suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi cá tầm, năm 1997, Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) chính thức siết chặt quản lý hoạt động thương mại cá tầm. Theo quy định của CITES, cá tầm và mọi sản phẩm khác từ cá tầm (trứng, thịt, da…) đều phải có giấy phép của CITES mới được XK.

Nghề nuôi cá tầm

Để bù đắp cho sản lượng khai thác tự nhiên đang ngày càng thiếu hụt, nghề nuôi cá tầm đã xuất hiện và sản lượng cá tầm nuôi không ngừng nhanh chóng tăng lên, từ 150 tấn năm 1984 lên đến hơn 15.000 tấn năm 2004. Tuy nhiên, theo báo cáo của FAO (2004), số quốc gia có nghề nuôi cá tầm sản lượng đáng kể không nhiều, lớn nhất là Nga (2.050 tấn), Italia (550 tấn), Ba Lan (250 tấn). Ucraina, Tây Ban Nha, Pháp, Thổ nhĩ Kỳ, Ixraen, Iran và cả Uruguay ở Nam bán cầu cũng nuôi cá tầm, nhưng sản lượng chưa đáng kể. Từ năm 2004 đến nay nghề nuôi cá tầm đã phát triển mạnh hơn nhiều, song chưa có báo cáo cụ thể.

Ý tưởng di nhập giống các loài cá thích nghi với nhiệt độ môi trường thấp (cá nước lạnh) như cá hồi vân và cá tầm về Việt Nam để nuôi thử nghiệm đã xuất hiện từ đầu những năm 2000, khi các nhà khoa học thủy sản nhận thấy ở nhiều nơi, nhất là vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, có nguồn nước lạnh tự nhiên, nhiều hồ chứa với diện tích mặt nước rất lớn chưa được khai thác, môi trường trong sạch, không ô nhiễm và có khí hậu thích hợp với điều kiện sống của các loài cá đó.

Những mô hình nuôi cá tầm đầu tiên chính thức xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2005. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thủy sản, đến hết năm 2011, cá tầm đã được nuôi tại 11 tỉnh trên cả nước với tổng sản lượng cá thương phẩm 523 tấn, cao hơn nhiều so với sản lượng cá hồi (341 tấn), mặc dù cả hai loài được bắt đầu nuôi tại Việt Nam vào cùng thời điểm.

Triển vọng nuôi cá tầm ở Việt Nam

Sau gần 10 năm làm quen với cá tầm, những người nuôi có chung nhận xét, đây là loài cá dễ nuôi, có thể nuôi trong ao nước chảy, nuôi lồng bè trong hồ chứa hoặc nuôi công nghiệp (nước chảy tuần hoàn). Điều kiện môi trường là yếu tố quyết định trong việc chọn địa điểm nuôi cá tầm. Muốn cá phát triển tốt, nguồn nước phải sạch, lượng ôxy hòa tan cao (tốt nhất trên 6mg/lít), nhiệt độ thấp vừa phải, từ 18 - 270C. Cá tầm có thể sống được khi nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn phạm vi trên, nhưng tốc độ tăng trưởng bị giảm và nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp kéo dài có thể bùng phát bệnh, thậm chí gây chết hàng loạt.

Một chuyên gia cá tầm người Nga cho biết, kết quả phân tích cho thấy cá tầm nuôi ở Việt Nam có chất lượng thịt không kém cá nuôi ở Nga. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của cá tầm nuôi ở Việt Nam cao gấp ba lần ở Nga vì nhiệt độ ổn định, không bị quá lạnh. Thời gian nuôi cá để lấy trứng thương phẩm cũng chỉ bằng ½ so với ở Nga.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, khu vực miền núi Tây Bắc có khí hậu mát mẻ, nhiều sông suối tự nhiên có nguồn nước hoàn toàn trong sạch, nhiệt độ nằm trong giới hạn thích hợp với sinh trưởng của các loài cá nước lạnh. Đặc biệt, đây là khu vực có mặt nước các hồ thủy điện rất lớn, trong đó riêng hồ thủy điện Sơn La đã có diện tích trung bình lên tới 224 km2, dung tích 9,26 tỷ m3, là hồ lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhưng hầu như chưa được sử dụng cho mục đích NTTS. Đây là điều kiện tự nhiên hiếm có, cần tận dụng.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu có định hướng quy hoạch và đầu tư phát triển đúng ngay từ đầu để hạn chế tình trạng tự phát, cá tầm nói riêng và các loài cá nước lạnh nói chung có thể tạo ra bước đột phá mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, đây là bước đột phá về sản xuất thủy sản ở miền núi, vùng cao, nơi kinh tế chậm phát triển và người dân có ít cơ hội sinh kế hơn so với các vùng đồng bằng, ven biển.

Những khó khăn cần thấy trước

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch VASEP, ngành cá tầm nên phát triển theo mô hình chuỗi giá trị sản phẩm hiện đại, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao, nhưng với quy mô nhỏ, phân tán để phù họp với đặc thù địa lý và dân cư thưa thớt ở những vùng cao. Và điều cốt yếu nhất là phải quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, như một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện, theo những tiêu chuẩn quốc tế cần thiết, để tránh hiện tượng mở rộng quy mô tự phát gây mất cân đối cung cầu.

Để phát triển một cách bền vững và không gặp phải những vấn đề nan giải như ngành tôm hay cá tra với sự tham gia ồ ạt, bất chấp quy hoạch của những nhà đầu tư và kinh doanh không có kiến thức chuyên môn, các chuyên gia cũng khuyến cáo Nhà nước và chính quyền các địa phương cần phải quản lý ngành cá tầm như một ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện ngay từ đầu.

Sản xuất giống và thức ăn là những lĩnh vực phải được chú trọng đầu tư nghiên cứu để làm chủ công nghệ ngay trong giai đoạn đầu. Hiện nay, người nuôi cá tầm Việt Nam đang phải NK trứng cá tầm từ nhiều nguồn về ấp nở và ương, vừa gặp phải nhiều trở ngại về thủ tục quản lý, chất lượng không đồng đều và thời gian nhiều khi không phù hợp. Trong tương lai gần, cần chú ý nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo và chọn giống các loài cá tầm nuôi thương phẩm để có đàn cá giống đơn tính toàn cá cái.

Thức ăn chiếm tới 70-80% chi phí nuôi cá, hiện nay chủ yếu vẫn phải NK, khiến giá thành bị đội lên rất cao. Phải chủ động nuôi dưỡng đàn cá bố mẹ chất lượng cao, khép kín vòng đời cá tầm trong nước và chủ động sản xuất được thức ăn cho cá, để nghề nuôi cá tầm thực sự có thể phát triển bền vững. Việc nghiên cứu phát triển sản xuất giun quế như một nguồn đạm quý giá bổ sung cho thức ăn cá tầm có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Một vấn đề nữa cần sớm làm sáng tỏ, đó là thị trường, chủng loại sản phẩm và công nghệ chế biến và tiếp thị. Cá tầm là sản phẩm hoàn toàn mới ở Việt Nam nên có rất nhiều điều cần tìm hiểu, nghiên cứu. Hiện nay, sản phẩm cá tầm nuôi ở Việt Nam chỉ bao gồm cá tươi sống phục vụ chủ yếu cho các nhà hàng, siêu thị, thị trường rất nhỏ hẹp. Sản lượng cá đưa ra thị trường mới tăng lên chút ít đã có dấu hiệu giảm giá. Khi hướng đến XK, phải chú trọng phát triển các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, và cần nắm một thực tế là thị trường trứng cá tầm (caviar) hầu như do một số tập đoàn độc quyền khống chế, vì vậy, để tham gia thị trường này cần có chiến lược hợp tác quốc tế thích hợp.

Đi học kinh nghiệm phía Nam

Cuối tháng 8/2012 vừa qua, được sự hỗ trợ của VASEP, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Sơn La gồm 13 người, do ông Hoàng Văn Chất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu, đã có chuyến đi thăm và làm việc tại các tỉnh Đồng Tháp, Lâm Đồng và Bình Thuận, nhằm học hỏi kinh nghiệm, định hướng cho phát triển NTTS tại Sơn La.

Theo ông Hoàng Văn Chất, chưa kể các công trình khác, chỉ tính riêng hồ thủy điện Sơn La với diện tích mặt nước khoảng trên 20.000 ha, Sơn La đã là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển NTTS. Tuy nhiên, hầu hết diện tích lòng hồ này đều đang bị bỏ không. Trong khi đó, để xây dựng hồ thủy điện Sơn La, 17.996 hộ dân với hơn 50.000 người, tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đã phải di dời lên những vùng đất cao hơn, điều kiện sản xuất thiếu thốn, việc làm, nguồn sống không đảm bảo. Hiện địa phương đang rất lúng túng trong vấn đề giải quyết công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho bà con tái định cư. Việc phát triển ngành thủy sản của Sơn La, trọng tâm là nuôi cá tầm, là một hướng đi có tính đột phá, vừa góp phần giải quyết được công ăn việc làm, vừa tận dụng được nguồn lực dồi dào đang bỏ ngỏ của tỉnh.

Trong buổi làm việc tại Đồng Tháp, ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp cho rằng phát triển NTTS phải chú trọng đến bền vững và hiệu quả. Trong đó quan trọng nhất là phải có quy hoạch đúng về bảo vệ môi trường và cân đối giữa cung và cầu trên thị trường. Đây là hai bài học rất đắt giá mà Đồng Tháp đã trải qua trong phát triển NTTS ở địa phương, đặc biệt là cá tra, cá ba sa…

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, cấp phép đầu tư, bàn giao mặt nước và các hệ thống văn bản chỉ đạo hoạt động nuôi và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP- cho rằng những kinh nghiệm trong phát triển cá tra của Đồng Tháp rất quý báu và có ý nghĩa cho định hướng phát triển cá nước lạnh của Sơn La. Điểm yếu của Sơn La hiện nay chính là ngành công nghiệp chế biến chưa phát triển, lực lượng lao động lại chưa có tay nghề và kinh nghiệm, hệ thống chính sách còn rất đơn sơ. Chính vì vậy, cần thiết phải có những quy hoạch cụ thể và quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, hình thành được chuỗi giá trị khép kín với trọng tâm là phải lấy DN làm “xương sống” để phát triển.

Tại tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, đoàn cán bộ tỉnh Sơn La đã đi thăm trại giống và trại nuôi cá tầm thương phẩm của Tập đoàn cá Tầm Việt Nam trên hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) và hồ thủy điện Đa Mi (Tánh Linh). Theo ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn, Sơn La là một tỉnh rất có tiềm năng và Tập đoàn cá Tầm Việt Nam sẽ có định hướng mở rộng đầu tư tại địa phương trong tương lại.

Dự án khép kín chuỗi sản xuất cá tầm

Để hình thành một mô hình chuỗi sản xuất cá tầm khép kín, từ giữa năm 2011, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với một số DN, như Công ty CP Hàng hải và Dầu khí Việt Xô (Vietxomaripet), Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lai Châu, Công ty CP XNK Thủy sản Hà Nội (Seaprodex Hanoi), Công ty Giun quế Việt Nam (RWV), Công ty CP Dịch vụ Nuôi trồng Thủy sản Hạ Long, Trường Đại học Tây Bắc và một số đơn vị, cá nhân khác, đã khảo sát, nghiên cứu khả năng phát triển nuôi cá nước lạnh và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao ở miền Tây Bắc.

Nhóm đối tác đã cùng với Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sơn La, thống nhất chương trình biến tiềm năng thành hiện thực, thông qua việc hợp tác hình thành những tổ chức kinh tế phát triển chuỗi sản xuất thủy sản phục vụ XK và tiêu thụ nội địa trên lưu vực hồ thủy điện Sơn La. Tiên phong mở “đột phá khẩu” cho hoạt động này là Công ty Cổ phần Nuôi trồng và Xuất nhập khẩu Thủy sản Tây Bắc.

Công ty dự kiến sẽ phối hợp với Đại học Tây Bắc tổ chức Trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho người dân vùng ven hồ thực hiện các chuỗi sản xuất gồm nhiều khâu: Trồng cỏ công nghiệp - Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung (lấy thịt, sữa, trứng và phân) - Nuôi giun quế bằng phế thải chăn nuôi để cung cấp giun làm thức ăn nuôi cá, lấy phân giun phục vụ trồng trọt - Nuôi cá tầm và một số loài cá đặc hữu theo phương thức công nghiệp.

Công ty cũng sản xuất con giống và cung cấp thức ăn cho người nuôi; cung ứng vật tư, công trình nuôi (lồng bè, các dụng cụ, thiết bị, ...) và hướng dẫn, hỗ trợ các hộ và HTX nuôi cá tầm trong các khâu công nghệ, kỹ thuật theo hợp đồng kinh tế chặt chẽ. Công ty chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm của dân, tiến hành chế biến công nghiệp thành sản phẩm tiêu thụ trong nước và XK và thực hiện XK và tiêu thụ nội địa các sản phẩm.

Cụ thể, công ty đặt kế hoạch đến năm 2020 đảm bảo cung cấp 100% giống cá tầm chất lượng cao, sạch bệnh, có chứng nhận CITES cho nhu cầu nuôi. Việc gây dựng nguồn cá hậu bị và ương nuôi cá giống sẽ được triển khai tại các cơ sở có đủ điều kiện.

Công ty sẽ nghiên cứu kết hợp thịt giun quế với các nguyên liệu sẵn có tại địa phương (như ngô, đậu nành) để chế biến thức ăn nuôi cá tại chỗ nhằm giảm giá thành. Kết quả thử nghiệm cho thấy thức ăn này giúp cá phát triển nhanh, đồng thời tăng khả năng kháng bệnh.

Việc nuôi cá sẽ do các hộ dân hoặc HTX thực hiện với quy mô nhỏ, nhưng năng suất cao, công nghệ tiên tiến, sạch và thân thiện môi trường. Tất cả cơ sở nuôi đều phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, VSATTP và môi trường trước khi được phép sản xuất.

Công ty sẽ xây dựng các xí nghiệp chế biến XK tại chỗ đạt tiêu chuẩn VSATTP đồng thời phát triển hệ thống bán hàng nội địa nhằm đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người nuôi. Các sản phẩm chính gồm trứng cá tầm muối (malosol caviar), cá tầm xông khói nguội, cá đông lạnh sâu (nguyên con và cắt khúc), cá tươi, cá sống, sản phẩm GTGT. Công ty đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt sản lượng cá các loại 3.000 tấn/năm, chủ yếu là các loài cá tầm Xiberi (Acipenser baerii baerii), Nga (A. gueldenstaedtii), Beluga (Huso huso), Trung Hoa (A. sinensis) và cá tầm lai.

Liệu cá tầm có tiếp bước cá tra để làm nên kỳ tích mới trong ngành thủy sản Việt Nam hay không? Tất cả còn ở phía trước. Nhưng rất nhiều người thiết tha mong muốn điều đó sẽ sớm thành hiện thực. Cuộc Hội thảo “Nuôi, Chế biến và Xuất khẩu cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La” do Tỉnh ủy Sơn La và Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội VASEP tổ chức ngày 17/9/2012 tại Sơn La là sự kiện mở đầu cho những nỗ lực đầy tâm huyết ấy.

Vietfish