TIN THỦY SẢN

Vai trò của bổ sung nước điện giải cho tôm

Ảnh minh họa: i2.wp.com VĂN THÁI (Lược dịch)

Một báo cáo mới đây vừa đăng trên tạp chí Aquaculture International đã cung cấp thêm vai trò của bổ sung nước diện giải trong việc nâng cao năng suất và tỉ lệ sống của tôm.

Theo Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, các chất điện giải có nhiều dạng khác nhau. Bao gồm natri, clorua, kali, phốt phát, magiê và canxi. Về cơ bản, chất điện giải là muối. Vai trò của nó trong cơ thể là hòa tan giúp dẫn điện trong nước và hấp thụ nước tốt hơn.

Việc bổ sung dung dịch nước diện giải không còn xa lạ với người nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam và trên Thế Giới. Ở Việt Nam, Tiến sĩ Lê Quang Tiến Dũng và các cộng sự thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã nghiên cứu và ứng dụng thành công dung dịch anolyte – nước điện giải trong xử lý nước nuôi trồng thủy sản. Dung dịch anolyte là một tác nhân khử trùng có nhiều tính ưu việt, hiệu quả khử trùng cao, diệt nhanh nhiều loại vi khuẩn, dễ sản xuất, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường.

Dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte hay còn được gọi là nước oxy hóa điện ly được kỹ sư người Nga V. Bakhir phát hiện năm 1972. Anolit (Anolyte), thuật ngữ tiếng Anh là Electro-Chemical Activation (ECA) là dung dịch hoạt hóa điện hóa, không màu, có mùi clo nhẹ, được điều chế bằng cách điện phân dung dịch NaCl (muối). Nếu quy trình được hoạt hóa nước từ NaCl tinh khiết thì thành phần của anolite có chứa các ion: Na+, Cl-, ClO-,..


Catolytes cũng là sản phẩm của quá trình hoạt hóa nước bằng phương pháp điện hóa (Electro Chemical Activation - viết tắt là ECA). Nguồn: Researchgate

Vai trò của bổ sung nước điện giải cho tôm nuôi

Trong công trình này, nước diện giải – nước chứa các dung dịch hoạt hóa điện hóa (EW) được sử dụng để xác định ảnh hưởng của chúng trong nuôi tôm càng xanh nước ngọt ở trong các hệ thống tuần hoàn.

Nồng độ nước điện giải bổ sung cho tôm càng xanh

Trong thí nghiệm 1: Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), đã tiếp xúc với các nồng độ các dung dịch nước điện giải khác nhau.

Dung dịch hoạt hóa điện hóa được thêm vào trong nước ở nhóm điều trị A1 bao gồm 1% anolyte và 0,5% catholyte.

Trong các phương pháp điều trị tương ứng, tỷ lệ anolytes và catolytes như sau:

  • Nhóm B1 (1% anolyte và 1% catholyte), 
  • Nhóm C1 (2% anolyte và 0,5% catholyte), 
  • Nhóm D1 (2% anolyte và 1% catholyte),
  • Nhóm tôm đối chứng (không có EW).

Tất cả các phương pháp điều trị này được thử nghiệm ba lần lặp lại.

Kết quả:

Trong thí nghiệm đầu tiên, sự tăng trưởng của tôm càng xanh M. rosenbergii khi được bổ sung 1% anolyte và 0,5% catholyte ở nhóm A1 cho thấy sự tăng trưởng của tôm khác biệt đáng kể so với nhóm tôm đối chứng sau 56 ngày.

Tỷ lệ sống của tôm cao nhất ở nghiệm thức A1 (73%) sau đó đến nhóm B1 (70%) và đối chứng (63%) cuối cùng là các nghiệm thức C1 (53%) và D1 (50%).

Sự kết hợp tối ưu trong mô hình nuôi thủy sản tuần hoàn RAS


Sơ đồ cho hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) đã được sử dụng trong thí nghiệm. Nước đi qua ba loại bộ lọc bao gồm một bộ lọc vật lý (hồ cá), bộ lọc hóa học (vỏ sò) và bộ lọc sinh học (Bio-ball) trước bị bơm trở lại bể nuôi.

Trong thí nghiệm thứ hai, cách nhóm nghiệm thức được thực hiện bằng cách sử dụng nồng độ EW 1% anolyte và 0,5% catholyte - sử dụng như là nồng độ phù hợp nhất cho nuôi tôm và được thử nghiệm đi kết hợp với hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS).

Các phương pháp điều trị được sử dụng trong thí nghiệm thứ hai là nhóm A2 ( Chỉ bổ sung chất điện giải - EW), B2 ( Kết hợp dung dịch điện giải EW và nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn RAS), C2 ( Chỉ nuôi tôm tuần hoàn RAS) và Đối chứng.

Kết quả: Điều trị B2 ( bổ sung dung dịch điện giải và nuôi tôm hệ thống tuần hoàn) cho thấy tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn và khác biệt đáng kể so với các phương pháp điều trị khác.

Đơn vị tạo khuẩn lạc (CFU) cho thấy số lượng vi khuẩn thấp hơn trong tất cả các thí nghiệm sử dụng dung dịch hoạt hóa điện hóa so với đối chứng.

Nồng độ 1% của anolyte và 0,5% của catholyte đã cho thấy để cải thiện tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm càng xanh M. rosenbergii nuôi trong hệ thống tuần hoàn RAS.

Từ 2 nghiên cứu trên cho thấy ngoài công dụng dùng để khử trùng như các nghiên cứu trước đây, thì dung dịch điện hóa còn giúp tôm tăng tỉ lệ sống và thúc đẩy tăng trưởng. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng khi sử dụng dung dịch điện giải sẽ tối ưu hơn trong hệ thống nuôi tôm tuần hoàn RAS. Và với ưu điểm nổi trội của các dung dịch hoạt hóa là giá thành rẻ và thân thiện với môi trường thì chúng hoàn toàn có khả năng ứng dụng và nhân rộng khi nuôi trồng thủy sản.

Báo cáo tiếng anh trên: tạp chí Aquaculture International

VĂN THÁI (Lược dịch)