TIN THỦY SẢN

VASEP: cần phân rõ mạ băng sản phẩm cá tra nội địa và xuất khẩu

VASEP đề xuất phân rõ mạ băng cho sản phẩm cá tra tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh Trung Chánh

Liên quan đến dự thảo quy chuẩn quốc gia về “Sản phẩm thủy sản - cá tra phi-lê đông lạnh” đang được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đưa ra lấy ý kiến, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị quy định tỷ lệ mạ băng khác nhau cho cá tra tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Đề xuất trên là một trong những nội dung được thể hiện tại công văn số 92/2016/CV-VASEP vừa được đơn vị này gửi đến Nafiqad để góp ý về dự thảo quy chuẩn quốc gia “Sản phẩm thủy sản - cá tra phi-lê đông lạnh”.

Theo đó, đối với sản phẩm nội địa, tỷ lệ mạ băng không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm sau khi loại bỏ vật liệu bao gói; đối với sản phẩm dùng để xuất khẩu, nếu thị trường nhập khẩu có quy định về tỷ lệ mạ băng thì áp dụng theo quy định của thị trường, còn nếu không quy định sẽ áp dụng tỷ lệ mạ băng 20%.

Liên quan đến tỷ lệ mạ băng, trước đó Chính phủ đã ban hành nghị định 36/2014/NĐ-CP về sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra, trong đó quy định một tỷ lệ mạ băng thấp hơn khiến nhiều doanh nghiệp không đồng tình.

Cụ thể, theo quy định tại điểm b và c, khoản 6, điều 6 của Nghị định 36, thì “Tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra phi-lê xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác, tỉ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và hàm ẩm tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm”.

Tuy nhiên, quy định trên đã bị VASEP và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng không phù hợp, gây khó khăn về thị trường và hoạt động xuất khẩu của họ.

Hiện tại, Nghị định 36 đã được Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị có liên quan xem xét, nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Về chỉ tiêu cảm quan, theo VASEP, hiện các khách hàng đều cho phép một giới hạn chấp nhận đối với một số sai sót trên sản phẩm, nên Nafiqad cần cân nhắc áp dụng theo. Cụ thể, một số khách hàng chấp nhận đốm đỏ trên sản phẩm nhỏ hơn 5 mm với mức cho phép nhỏ hơn 3%; cho phép sản phẩm sót xương nhỏ hơn 5 mm hoặc đường kính nhỏ hơn 2 mm với mức cho phép 1% của phi lê có một xương.

Từ thực tế nêu trên, VASEP đề nghị các sai lỗi về cháy lạnh, tạp chất, sót xương, đốm đỏ,… trong quy chuẩn phải có mức giới hạn cho phép, chứ không thể áp dụng khắt khe như các quy định của Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Ngoài ra, đối với dư lượng thuốc thú y; hàm lượng kim loại nặng; hàm lượng phụ gia thực phẩm phosphat, VASEP đề nghị dự thảo cần đưa cụ thể, chi tiết các chỉ tiêu nào và mức giới hạn tối đa cho phép áp dụng riêng biệt cho sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh.

Trung Chánh Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 18/06/2016