Vi phạm chất lượng nông lâm thủy sản tăng cao
Trong 7 tháng đầu năm 2013, lực lượng thanh tra chuyên ngành phát hiện gần 1.500 cơ sở vi phạm về chất lượng.
Sáng 2/8, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tham dự có đại diện Bộ Y tế, Bộ Công an và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.
Theo đánh giá chung, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục xảy ra trên một số mặt hàng nông lâm sản, thủy sản gồm: Tôm, cá tầm nhập lậu, rau củ quả, giá đỗ; tình trạng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn tiếp tục tái diễn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
Trong 7 tháng đầu năm 2013, lực lượng thanh tra chuyên ngành tổ chức gần 7.000 lượt kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp phát hiện gần 1.500 cơ sở vi phạm về chất lượng. Tỷ lệ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm chưa đảm bảo chất lượng xếp loại C còn cao nhưng chưa được các địa phương giải quyết triệt để.
Giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên 26 loại rau, quả tươi sản xuất trong nước cho thấy, nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả. Một số mẫu thủy sản phát hiện hóa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép....
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số Sở, ngành, chính quyền địa phương còn buông lỏng trong quản lý, giám sát; văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn ban hành chưa kịp thời so với điều kiện thực tiễn.
Các đại biểu cho rằng, để công tác quản lý hiệu quả trong thời gian tới cần nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó tập trung vào nhóm có nguy cơ cao là phân bón, giống cây trồng và vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường đầu tư năng lực đội ngũ cán bộ, trung tâm kiểm nghiệm từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài việc kiểm tra định kỳ, các địa phương còn phải thực hiện tái kiểm tra, nhất là cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại B và C. Nếu cơ sở tiếp tục vi phạm phải có biện pháp xử lý mạnh tay và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp cần nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai các mô hình các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; Xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất từ khâu sơ chế đến chế biến, phân phối; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản an toàn./.