TIN THỦY SẢN

Virus và địa giới hành chính

Chốt kiểm soát dịch ở Vĩnh Long. Ảnh: Báo CAND. Hoàng Trí Dũng

Đón nhận thông tin các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ giảm mức giãn cách xã hội, gần 20 triệu người dân và doanh nghiệp vùng châu thổ này ai cũng vui.

Họ vui vì sau hơn 2 tháng "ở yên trong nhà" tù túng nay được ra đường đi lại, mở ra cơ hội để nối lại sản xuất, hy vọng thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ vì nợ nần. 

Thế nhưng, thực tế "mở cửa" vẫn vướng bởi tình trạng mỗi địa phương áp dụng một kiểu khác nhau, khiến người dân và doanh nghiệp không biết đâu mà lần.

Anh N.P., công tác ở một công ty chế biến xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ, cho biết gia đình có nuôi cá tra ở Vĩnh Long và Sóc Trăng nhưng suốt hơn 2 tháng giãn cách không qua thăm nom thu hoạch được, hiện cá đã quá lứa. 

Nghe tin Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng đã nới lỏng giãn cách, cả nhà ai cũng vui nên định qua thu hoạch, nhưng anh vẫn không thể đi do Cần Thơ quy định ra khỏi thành phố phải được sự đồng ý của chính quyền quận, huyện.

Tương tự, người dân An Giang muốn qua tỉnh giáp ranh Đồng Tháp làm ăn dù đã tiêm hai mũi vắc xin, có giấy đi đường và giấy xét nghiệm âm tính nhưng một số huyện thuộc Đồng Tháp còn buộc phải test lại thêm một lần nữa, đến mức ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã phải thốt lên "không lẽ con virus này nó biết phân biệt địa giới hành chính hay sao mà cứ mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu thế này?".

Không chỉ khu vực miền Tây mà miền Trung cũng vướng, người dân "vùng xanh" có giấy xét nghiệm âm tính được phép rời Đà Nẵng nhưng khi về Quảng Nam bị chặn lại với lý do chờ hướng dẫn của tỉnh khiến đi không được mà ở lại cũng không xong. 

Xa tít tận biên giới phía Bắc, doanh nghiệp vận tải vào Quảng Ninh cũng kêu trời khi địa phương này đẻ ra quy định lái xe và phụ xe tải, xe container chở hàng hóa vào tỉnh này phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 48 giờ, ngoài ra nếu đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái thì khi vào cửa ngõ thành phố Móng Cái còn phải test nhanh và khi rời khỏi tỉnh cũng phải xét nghiệm RT-PCR.

Mở cửa dần để người dân, doanh nghiệp làm ăn là việc phải làm chứ không còn bàn cãi nữa. Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp rất mạnh mẽ: phải chuyển từ "không COVID" sang "thích ứng an toàn", nơi nào dịch ổn thì phải mở ra để thúc đẩy phát triển kinh tế, đi liền là các địa phương không được đặt ra các quy định và giấy phép con cản trở người dân, sản xuất lưu thông hàng hóa. 

Vì vậy, những mắc mứu ở nơi này, nơi kia trong thời gian qua đang cản trở sự liên thông giữa các tỉnh thành cần sớm được gỡ bỏ. Nền kinh tế không thể phục hồi nhanh khi giao thương nội vùng và liên vùng chưa được nối kết thông suốt. 

Nhà máy, nguồn nguyên liệu, lao động, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu đều không cùng nằm ở một tỉnh, trong khi mỗi tỉnh có một quy định riêng mà nếu chưa gỡ được thì tái sản xuất mới chỉ là khởi động mà thôi.

Dịch bệnh chưa hết, cần phải chú trọng an toàn để sản xuất, không chủ quan, vì thế để chống dịch tốt và mở cửa sản xuất an toàn thì ngành y tế cần nhanh chóng ban hành bộ quy tắc chỉ dẫn cụ thể những điều được làm, những điều cần hạn chế trong phòng dịch và mở cửa kinh tế để người dân, chính quyền các địa phương áp dụng thống nhất. 

Cũng cần có một nhạc trưởng đủ thực quyền cầm trịch điều hành việc phòng chống dịch và mở cửa sản xuất, bởi nếu không sẽ lặp lại chuyện "sợ trách nhiệm" cực đoan, co thủ cho an toàn, rồi mỗi nơi áp dụng một kiểu sẽ không thể có chiến lược phát triển kinh tế trong bình thường mới.

Virus không biết phân biệt địa giới hành chính, do đó các địa phương không thể phân biệt địa giới hành chính như vậy, trái với chủ trương từ Chính phủ và cản trở việc phục hồi trở về với bình thường mới.

Hoàng Trí Dũng Báo Tuổi Trẻ