TIN THỦY SẢN

Vỏ quế - thảo dược tiềm năng cho phòng trị bệnh cá diêu hồng

Cá diêu hồng bị bệnh. Ảnh: Internet Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh, Trần Hoàng Bích Ngọc

Nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam tại viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 đã đánh giá khả năng trị bệnh xuất huyết trên cá diêu hồng từ 10 loại dịch chiết xuất từ thảo dược (cây diếp cá, cây tía tô, lá lốt, củ hành tím có vỏ, củ hành tím không vỏ, lá bưởi, lá kinh giới, lá chùm ngây, lá xuyên tâm liên, vỏ quế).

Cá rô phi đỏ (Oreochromis sp.) hay còn gọi là cá rô phi đỏ là đối tượng nuôi phổ biến ở miền Nam Việt Nam, bao gồm khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cá rô phi đỏ, bệnh lồi mắt, xuất huyết là một bệnh gây chết với tỷ lệ cao và thời gian chết nhanh ở tất cả các giai đoạn phát triển của cá (từ cá giống đến cá thịt), do đó gây thiệt hại kinh tế rất nghiêm trọng cho người nuôi nếu xảy ra (Đặng Thị Hoàng Oanh và Nguyễn Thanh Phương, 2012).

Bệnh này được xác định là do vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây ra. Giải pháp đang phổ biến hiện nay để phòng trị bệnh trên cá rô phi là sử dụng kháng sinh hay hóa chất. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, gây nên hiện tượng kháng kháng sinh ở các loài vi khuẩn gây bệnh trên động vật thủy sản, dẫn đến hiệu quả chữa trị không có hoặc rất thấp. Ngoài ra, việc tích lũy kháng sinh trong động vật thủy sản có thể gây hại cho môi trường và cho người tiêu thụ. Do đó, việc tìm ra giải pháp thay thế là nhu cầu tất yếu.

Trong thời gian gần đây, việc sử dụng thảo dược trong phòng trị bệnh nhiễm khuẩn đang ngày càng trở nên phổ biến, do có nhiều ưu điểm như: dễ tìm kiếm, giá thành thấp, hoạt tính kháng khuẩn cao, có khả năng kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của vật chủ, thân thiện với môi trường và không gây nên hiện tượng đề kháng thuốc (Rattanachaikunsopon và Phumkhachorn, 2009).

Trong nghiên cứu này, nhóm nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành đánh giá khả năng đối kháng hai chủng vi khuẩn Streptococcus agalactiae (SA1 và SA3) gây bệnh xuất huyết, lồi mắt trên cá rô phi đỏ nuôi ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bởi 10 loại dịch chiết từ thảo dược (cây diếp cá, cây tía tô, lá lốt, củ hành tím có vỏ, củ hành tím không vỏ, lá bưởi, lá kinh giới, lá chùm ngây, lá xuyên tâm liên, vỏ quế), nhằm chọn ra loại thảo dược có hiệu quả cao để làm tiền đề cho việc tạo chế phẩm thảo dược phòng trị bệnh trên cá rô phi đỏ.


Kết quả thí nghiệm cho thấy, đối với chủng Streptococcus agalactiae SA1, dịch chiết vỏ quế cho hiệu quả kháng khuẩn cao nhất trong cả hai dung môi ethanol 96% và methanol 99,8%, ở mức trung bình với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt là 12,72 mm và 11,87 mm, trong khi 9 loại dịch chiết thảo dược còn lại đều cho kết quả đối kháng ở mức yếu. Đối với chủng Streptococcus agalactiae SA3, vỏ quế cho hiệu quả kháng khuẩn cao nhất ở dung môi ethanol 96% (đường kính vòng vô khuẩn 7,23 mm) và tía tô cho hiệu quả kháng khuẩn cao nhất ở dung môi methanol 99,8% (đường kính vòng vô khuẩn 12,52 mm); cả 10 loại dịch chiết thảo dược trong dung môi ethanol 96% đều có khả năng ức chế tăng trưởng ở mức yếu (đường kính vòng vô khuẩn < 7,5 mm) đối với chủng Streptococcus agalactiae phân lập được; trong dung môi methanol 99,8% thì chỉ có dịch chiết tía tô cho kết quả đối kháng với chủng Streptococcus agalactiae gây bệnh ở mức trung bình, trong khi 9 loại dịch chiết thảo dược còn lại đều cho kết quả đối kháng ở mức yếu. Các dịch chiết từ dung môi ethanol 96% cho kết quả đối kháng với vi khuẩn tốt hơn so với các dịch chiết từ methanol 99,8% đối với chủng SA1, và ngược lại đối với chủng SA3.


Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng đối với chủng Streptococcus agalactiae SA1 thì dịch chiết vỏ quế trong cả hai dung môi ethanol 96% và methanol 99,8% cho kết quả kháng khuẩn cao nhất. Còn đối với chủng Streptococcus agalactiae SA3 thì dịch chiết vỏ quế dung môi ethanol 96% và dịch chiết tía tô trong dung môi methanol 99,8% cho kết quả kháng khuẩn cao nhất.

Trong tương lai cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu xác định giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của các dịch chiết thảo dược nói trên đối với vi khuẩn gây bệnh S. agalactiae, so sánh với một số loại kháng sinh đang được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời đánh giá tính an toàn, tính hiệu lực của thức ăn trộn dịch chiết thảo dược đối với cá rô phi đỏ.

Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh, Trần Hoàng Bích Ngọc Vienthuysan2