Xuất khẩu nông - thủy sản hậu Covid-19: Hy vọng và giải pháp
Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ 2019, trong đó, nhóm hàng nông - thủy sản đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nếu biết tận dụng cơ hội, quyết liệt triển khai các giải pháp, xuất khẩu nông – thủy sản sẽ tăng trở lại.
Nông - thủy sản nước ta đa dạng, chất lượng tốt. Có thể kể đến gạo ST24 ngon nhất thế giới; từ Bắc vào Nam, nông sản phong phú như vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương), nhãn lồng (Hưng Yên), xoài Cát Chu (Đồng Tháp), vú sữa (Tiền Giang)… được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam được Hoa Kỳ đánh giá đạt mức cao nhất (80%) so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Trung Quốc (57%) và Thái Lan (40%).
Thực thi FTA với Hàn Quốc, Việt Nam đã xây dựng được cơ chế trao đổi để giảm thiểu tối đa các hàng rào kỹ thuật - trở ngại chính đối với hàng nông - thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Đặc biệt, lần đầu tiên Hàn Quốc mở cửa cho những mặt hàng như tỏi, gừng, mật ong, tôm...
Với Hiệp định EVFTA, dư địa về sản phẩm nhiệt đới của EU còn rất lớn cùng với mức thuế nhập khẩu hấp dẫn, nông - thủy sản vào EU dự báo tăng mạnh khi hiệp định được thực thi.
Để những cơ hội trở thành hiện thực, việc tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp hướng theo Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết. Cụ thể, không chỉ áp dụng công nghệ cứng (máy móc) mà cả công nghệ mềm, các phương thức kết nối phi truyền thống; ưu tiên xây dựng hạ tầng nông thôn, cảnh báo sớm về thời tiết, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học; thực hiện xanh hóa nông nghiệp, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường; hạn chế dùng các chất vô cơ; ứng dụng kịp thời kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Ngoài ra, cần chế biến nông sản theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực: Quốc gia - cấp tỉnh - và Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); kết nối sản xuất - chế biến - bảo quản - thị trường - xây dựng thương hiệu; rà soát sản xuất, hãm hợp lý tốc độ sinh trưởng của cây trái, giảm loại cây ra quả trái vụ; đối với diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang cây trồng khác phù hợp với thị trường; tăng cường chế biến sản vật tươi sống sang chế phẩm đông lạnh, đóng hộp, hàng khô.
Đáng chú ý, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch; thực hiện nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn, các yêu cầu khác có liên quan đến chất lượng sản phẩm theo thỏa thuận với nhà nhập khẩu. Khai thác vận tải đường sắt liên vận, giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ. Doanh nghiệp dịch vụ logistics nội địa ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh nông - thủy sản.
Đổi mới xúc tiến thương mại, không bỏ khách hàng nhỏ, quên đơn hàng lẻ, đột xuất; xây dựng các cầu nối để hàng nông- thủy sản thâm nhập kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Về thị trường xuất khẩu nông - thủy sản, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần chính, tiếp đến là Hoa Kỳ, EU. Song, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ lực này đều giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.