TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu sang Đài Loan: Bước tiến mới trong sản xuất tôm giống

Chính thức xuất khẩu tôm giống sang Đài Loan. Ảnh minh họa Sáu Nghệ

Chiều 23/9/2024, tại Quảng Nam, Công ty Cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng chính thức xuất khẩu tôm giống sang Đài Loan với việc giao 2,5 triệu con tôm giống trị giá 10.000 USD cho Công ty Yong Sing Seafood Co., Ltd (Đài Loan). Sự kiện đánh dấu một bước tiến cần ghi nhận trong quá trình nghiên cứu, sản xuất tôm giống ở nước ta.

Xuất khẩu tôm giống chất lượng cao 

Công ty Cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng sản xuất tôm giống Mebi One theo quy trình khép kín, với tôm bố mẹ nhập khẩu từ Hoa Kỳ được đội ngũ kỹ thuật chăm sóc, giám sát nghiêm ngặt. Khu sản xuất tôm giống rộng 4,5 ha đầu tư hạ tầng đồng bộ, có nơi nuôi cấy tảo gốc, sản xuất artemia và các kỹ thuật liên quan theo công nghệ cao, công suất mỗi năm khoảng 5 tỷ con post. Bên cạnh là khu công trình phụ trợ và thực nghiệm, chuyển giao công nghệ rộng 4 ha. Tất cả ở xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. 

Sự hợp tác kinh tế giữa Công ty Cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng với Công ty Yong Sing Seafood Co., Ltd đã kéo dài hơn năm nay. Đây là quá trình hợp tác đưa tôm giống Mebi One đối chứng thực tế tại các trại nuôi ở Đài Loan, tôm giống Mebi One chứng tỏ đạt những tiêu chí phát triển và kỳ vọng của các chủ trại nuôi. Từ đó, hai Công ty chính thức ký hợp tác thương mại đưa tôm giống Mebi One phát triển tại thị trường Đài Loan.

Mục tiêu năm 2024 – 2025 của Công ty Cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng, xuất khẩu tôm giống sang Đài Loan đạt 300.000 USD. Từ đây, đánh dấu bước ngoặc để tôm giống Mebi One tiến vào các thị trường nuôi tôm khó tính ở châu Á. Mục tiêu tiếp theo là mở rộng thị trường ra nhiều nước khác nữa. Công ty Cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng chính thức tham gia lĩnh vực sản xuất tôm giống với tầm nhìn “Bứt phá giới hạn - Chinh phục đỉnh cao”.

Tôm giống

Đạt chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới 

Tỉnh Bạc Liêu đứng đầu ĐBSCL sản xuất tôm giống chất lượng cao, sản lượng năm 2023 đã chiếm hơn 50% toàn vùng ĐBSCL và khoảng 22% cả nước. Tỉnh có 360 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng; công suất thiết kế một năm trên 40 tỷ post; đã sản xuất 32-34 tỷ. Bạc Liêu có nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tôm giống chất lượng cao trên 80% cho người nuôi tôm trong tỉnh.

Một trong những doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn là Tập đoàn Việt Úc. Cơ sở sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt Úc tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, cũng là cơ sở sản xuất tôm giống đầu tiên của nước ta được công nhận an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới vào ngày 5/10/2018. 

Cơ sở này tổ chức chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh gồm: Cơ sở sản xuất tôm giống, cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm, cơ sở nuôi tôm thương phẩm và cơ sở chế biến tôm. Đây là kết quả thực hiện hơn 2 năm, trải qua quá trình đánh giá và thẩm định chặt chẽ, nghiêm túc, theo hướng dẫn của Cục Thú y để bảo đảm không có các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ bên ngoài, cũng như phát sinh tại cơ sở. Cũng là thành công sự phối hợp chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu, Cục Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu. Nên lễ công bố có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dự và chúc mừng.

Ứng dụng công nghệ Biofloc sản xuất giống tôm sú

Nhiều cơ sở nghiên cứu nước ta trong các năm qua đi sâu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất tôm giống chất lượng cao và đạt được những kết quả khả quan. Có thể kể đến Trường Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu ứng dụng công nghệ biofloc trong sản xuất giống tôm sú để tạo ra con giống chất lượng cao đã thành công và chuyển giao công nghệ cho các địa phương.

Áp dụng công nghệ Biofloc vào sản xuất giống tôm sú. Ảnh: giongthuysannghean.gov.vn

Biofloc có vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng nước bể ương tôm, an toàn sinh học, làm thức ăn trực tiếp cho tôm, tăng cường dưỡng chất tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. Các nhà khoa học tại Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu ương ấu trùng tôm sú theo công nghệ biofloc và xây dựng được qui trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc đạt tỷ lệ sống của postlarvae 12> 60%, năng suất >120.000 postlarvae/m3. Suốt quá trình ương không sử dụng thuốc kháng sinh hay hóa chất, hạn chế thay nước; kiểm tra tôm Postlarvae sạch các loại bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh còi (MBV).

Đây là hướng an toàn sinh học trong sản xuất giống tôm để phục vụ cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Qui trình sau khi nghiên cứu thành công đã ứng dụng chuyển giao cho nhiều trại sản xuất giống tôm sú tại tỉnh Cà Mau đạt được kết quả rất tốt. Các nhà khoa học đang ứng dụng qui trình này tập huấn và chuyển giao công nghệ cho các địa phương, các trại giống, các công ty và các doanh nghiệp tôm giống ở nhiều nơi.

Sáu Nghệ