Xuất khẩu tôm dự báo tăng 9%
Xuất khẩu tôm sang EU có thể sẽ khó khăn hơn sau khi bị siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu, tuy nhiên doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và duy trì ổn định tại thị trường Mỹ.
Năm 2016, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch đạt khoảng 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. Trong số này, tôm vẫn mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất cho ngành thủy sản trong năm 2016, chiếm 44% về giá trị.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm đạt 3,13 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 61%, tôm sú chiếm gần 31%, tôm biển khác chiếm 8%.
Mỹ vẫn là thị trường XK tôm lớn nhất của Việt Nam, đạt 729 triệu USD, tăng 11% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU ước đạt 598 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU chiếm tỷ trọng 18,1% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, đạt 590 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với năm 2015. Tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất 54% với giá trị 324 triệu USD và tôm sú chiếm 30% với 180 triệu USD.
Với đà tăng trưởng này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP dự báo, xuất khẩu tôm năm 2017 sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.
Đáng chú ý, “xuất khẩu sang EU có thể sẽ khó khăn hơn sau khi bị siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu. Song doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và duy trì ổn định tại thị trường Mỹ”, ông Hòe cho hay.
Trên thực tế, Hàn Quốc được coi là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam hiện nay và trong tương lai do nhu cầu và sức mua ổn định.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào ngày 20-12-2015, đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong đó có tôm vào thị trường này. Tuy nhiên, với VKFTA, thách thức mà Hàn Quốc dành cho tôm Việt Nam là sẽ siết chặt hơn về vấn đề chất lượng.
Còn thị trường Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2016, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng 23% đạt kim ngạch 431 triệu USD.
Dù dự báo tăng trưởng tốt nhưng ông Hòe cũng cho hay, xuất khẩu tôm sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước đối thủ.
Theo đó, Ấn Độ là đối thủ lớn nhất của Việt Nam hiện nay tại các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, nhất là đối với sản phẩm tôm chân trắng. Với kế hoạch đầu tư và phát triển đồng bộ, tôm Ấn Độ có ưu thế về nguồn cung ổn định và giá thành thấp hơn so với tôm Việt Nam.
Ngoài ra, trong quyết định của Bộ Thương mại Mỹ tháng 9-2016, đối với thuế chống bán phá giá giai đoạn POR10, Ấn Độ được giảm thuế xuống còn 2,2% từ mức thuế sơ bộ 4,78%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam bị áp thuế tăng từ 3,56% lên 4,78%. Đây sẽ là lợi thế cho Ấn Độ và bất lợi cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ trong năm tới.
Trong khi đó, Indonesia đạt tăng trưởng XK tôm trung bình gần 7%/năm và sẽ tiếp tục tốc độ tăng trưởng này trong những năm tới. Đây cũng là đối thủ lớn của Việt Nam trên thị trường Mỹ, Nhật và EU, chủ yếu là mặt hàng tôm, trong đó tôm sú cũng là một thế mạnh của nước này.
Còn Thái Lan đã phục hồi trở lại sản lượng tôm từ năm 2016 và sắp được rút lại thẻ vàng đối với sản phẩm khai thác. Sự trở lại của Thái Lan trong năm 2017 sẽ tăng thêm áp lực cạnh tranh cho sản phẩm tôm của Việt Nam.