Theo Bộ NN-PTNT, việc sử dụng Cypermethrin bừa bãi trong thời gian qua ở các vùng nuôi tôm thuộc ĐBSCL là một trong những nguyên nhân gây tôm chết. Vì vậy, Bộ NN-PTNT yêu cầu chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn việc người dân sử dụng Cypermethrin tại các cơ sở nuôi tôm, cũng như việc sử dụng hoạt chất này trong cây trồng trên địa bàn.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra chặt chẽ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thủy sản và các hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, hiện nay nhiệm vụ nghiên cứu xác định nguyên nhân gây bệnh trên tôm nước lợ, đề ra các biện pháp phòng chống dịch, hỗ trợ người dân đối phó với dịch này là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu.
Các Sở NN-PTNT có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan thú y, thủy sản địa phương và chính quyền cơ sở quản lý chặt đến từng thôn, ấp. Khi phát hiện ao, đầm có dấu hiệu tôm nhiễm bệnh phải báo ngay với cơ quan thú y địa phương, tổ chức bao vây, xử lý ổ dịch, không để lây lan.
Trước đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, đơn vị được Bộ NN-PTNT chỉ đạo truy tìm nguyên nhân tôm chết hàng loạt, đã đưa ra kết luận: Cypermethrin là một trong những nguyên nhân làm tôm chết hàng loạt. Việc nông dân sử dụng thuốc diệt giáp xác Cypermethrin trong một thời gian lâu dài đã gây ra hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay diện tích tôm bị dịch bệnh trong cả nước đã tăng lên tới 39.800ha. Trong đó, Trà Vinh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với gần 10.000ha, Cà Mau gần 9.000ha, Sóc Trăng trên 7.000ha, Bạc Liêu khoảng 7.000ha… Ngoài ra, các địa phương ở miền Bắc và miền Trung cũng đang có tôm bị chết do dịch bệnh. Tổng thiệt hại ước khoảng 5.000 tỷ đồng.