Nếu như năm 1997 Việt Nam chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp (DN) tìm đường xuất khẩu thủy sản sang các nước thì đến nay đã nhiều hơn rất nhiều. Tính riêng thị trường EU, năm 2000 chỉ có 18 DN xuất khẩu nhưng đến nay đã có 465 DN xuất khẩu với thị phần chiếm 27%.
Nhận định của Hội Nghề cá Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào EU tăng 500%. Thị trường EU trước đến nay luôn là thị trường tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam phát triển mạnh. Sắp tới thủy sản Việt có thể đổ bộ vào thị trường này trường hợp hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết. TS. Claudio Dordi, Trưởng nhóm Tư vấn Kỹ thuật Dự án EU - Mutrap cho hay, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có thể ký trước mùa hè năm nay. Như vậy, sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh lớn. Bởi, hàng loạt thuế quan được cắt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà xuất khẩu. "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ký kết và có hiệu lực thì chỉ cắt giảm thuế quan, còn tiêu chuẩn vệ sinh và chất lượng hàng hóa sẽ không giảm. DN Việt Nam cần xem lại nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của nhà nhập khẩu”- TS. Claudio Dordi nhấn mạnh.
Thủy sản Việt Nam được EU công nhận và xếp vào nhóm 1 từ năm 2000, đến nay lượng hàng này xuất khẩu sang các nước tăng vọt, song số lô hàng bị cảnh báo và trả về cũng không ít. Ông Lê Thanh Hòa, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy các nước tăng khá cao nhưng vi phạm về ATVSTP của thủy sản vẫn tồn đọng. Nếu như năm 2002 Việt Nam chỉ có khoảng 26 sản phẩm bị các nước cảnh báo mất ATVSTP thì đến năm 2012 con số này lên đến 64 sản phẩm. Theo thống kê mới nhất, từ năm 2010 đến hết tháng 5 - 2015, Việt Nam có 183 lô hàng thủy sản bị cảnh báo. Điều đặc biệt, số lô hàng bị cảnh báo tăng dần theo thời gian. Đơn cử, như năm 2010 có 13 lô bị cảnh báo, đến năm 2014 con số này ở mức 41 lô (chiếm 31% tỷ lệ hàng xuất khẩu). Đa số lô hàng thủy sản bị cảnh báo đều không đạt tiêu chuẩn vật lý, hóa học, sinh học. Trong đó, số lô hàng không đạt tiêu chuẩn về sinh học chiếm tỷ lệ cao. Ngoài các tiêu chuẩn chi tiết đòi hỏi sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải đáp ứng thì một yêu cầu khắt khe chung đang đặt ra bắt buộc nhà xuất khẩu thực hiện. Theo đó, EU đưa ra chuẩn chung của sản phẩm thủy sản nhập khẩu là phải đạt GlobalGap nhưng hiện nay sản phẩm thủy sản của Việt Nam chỉ mới đạt chuẩn VietGap. Như vậy, tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam thấp hơn so với EU. Vấn đề đặt ra, yêu cầu nhà xuất khẩu phải đáp ứng tốt chuẩn GlobalGap nếu không dễ bị thị trường nhập khẩu "sa thải”.
Trước yêu cầu khắt khe về chất lượng VSATTP đối với thủy sản xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu xây dựng lộ trình cho một hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới của Việt Nam phù hợp với thông lệ của EU nói riêng và quốc tế nói chung. DN Việt sớm thay đổi thói quen sản xuất và kinh doanh nhằm tạo sự tin tưởng cho thị trường. Không chỉ tuân thủ quy tắc, DN phải tăng thêm giá trị cho sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày một cao hơn. Liên quan đến chất lượng thủy sản xuất khẩu, ông Nguyễn Tử Cương- Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững (Hội nghề cá Việt Nam) yêu cầu DN xuất khẩu thủy sản phải đảm bảo 7 kiểm soát mà các nước đưa ra. Cụ thể, sản xuất nguyên liệu, kiểm soát dư lượng chất độc, kiểm soát vùng thu hoạch, thu mua - chế biến, ghi nhãn…
Các chuyên gia Hội Nghề cá cũng khuyến cáo, DN cần chú trọng đến việc ghi nhãn mác để bảo vệ tốt thương hiệu thủy sản Việt Nam. Có một thực tế, không ít sản phẩm thủy sản xuất khẩu được đóng gói tại nước nhập khẩu với tên khác. Điều này tạo ra mức giá mới nhưng DN Việt Nam lại không được hưởng lợi.