KHÓ KHĂN QUẢN LÝ DỊCH BỆNH
Theo Sở NN-PTNT, năm 2015, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh khoảng 2.050ha; trong đó, 405ha diện tích nuôi có tôm bị bệnh, mất trắng hơn 55ha. Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ và rộng khắp, nhưng tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi vẫn diễn biến phức tạp, tỉ lệ diện tích dịch bệnh tăng so với năm 2014. Đặc biệt, một số vùng nuôi tôm của tỉnh xuất hiện triệu chứng tôm nuôi chậm lớn bất thường, chẩn đoán mắc bệnh vi bào tử trùng. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, năm qua, trên địa bàn huyện có khoảng 1.200ha nuôi tôm, nhưng gần 230ha có tôm nuôi bị bệnh gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Còn ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Năm 2015 trên địa bàn huyện có khoảng 130ha tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu bị đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh do môi trường…
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, tôm nuôi bị bệnh do nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tăng cao, môi trường ao nuôi biến động, làm sức đề kháng của tôm bị suy giảm nên phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, một số ao nuôi đã sẵn mầm bệnh, hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một bộ phận hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường nuôi chung, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Môi trường nuôi một số vùng bị suy thoái, ô nhiễm, chất lượng con giống chưa đảm bảo, hệ thống thú y cơ sở còn hạn chế về chuyên môn… cũng làm cho tôm nuôi dễ mắc bệnh. Năm 2015, các đơn vị liên quan đã lấy hơn 425 mẫu thủy sản để xét nghiệm, giám sát dịch bệnh và phát hiện 106 mẫu dương tính với tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, 5 mẫu dương tính với tác nhân gây bệnh đốm trắng, 1 mẫu dương tính với vi khuẩn vibrio alginolyticus, 5 mẫu dương tính với rickettsia. Tỉnh đã hỗ trợ gần 13 tấn hóa chất cho các địa phương để dập dịch, tránh lây lan dịch bệnh cho thủy sản nuôi.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÙNG NUÔI
Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, vụ nuôi tôm 2016, Sở NN-PTNT đã có hướng dẫn lịch thời vụ cho các địa phương. Theo đó, vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) chỉ nuôi 1 vụ tôm sú hoặc 2 vụ tôm thẻ chân trắng. Tôm sú thả giống vào tháng 3 với mật độ từ 15-20 con/m2; còn tôm thẻ chân trắng thả nuôi vụ 1 vào tháng 1 và vụ 2 vào tháng 5 với mật độ từ 40-60 con/m2. Vùng nuôi tôm trên cát ở huyện Đông Hòa chỉ nuôi 2 vụ tôm sú hoặc 3 vụ tôm thẻ chân trắng. Các vùng nuôi tôm ở huyện Tuy An thì chỉ nuôi 1 vụ tôm sú và thả giống từ ngày 15/1 hoặc 2 vụ tôm thẻ chân trắng, thả giống vào tháng 1 và tháng 5. Mật độ thả giống tôm sú từ 15-20 con/m2, tôm thẻ chân trắng từ 50-70 con/m2; riêng nuôi dạng hồ hở ở đầm Ô Loan thì tôm sú từ 5-10 con/m2, tôm thẻ chân trắng từ 30-50 con/m2. Đối với các vùng nuôi tôm ở TX Sông Cầu, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân chỉ nuôi 1 vụ tôm sú hoặc 2 vụ tôm thẻ chân trắng, với mật độ tôm sú từ 10-15 con/m2, tôm thẻ chân trắng từ 40-50 con/m2. Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm, ở những vùng nuôi 1 vụ, thời gian còn lại trong năm, người dân có thể thả nuôi luân canh các đối tượng thủy sản khác như cá rô phi đơn tính, cá măng, hải sâm, rong câu, cua xanh… để cải tạo môi trường ao nuôi. Đối với các vùng nuôi đáy bùn, ngành Nông nghiệp khuyến khích nuôi ghép tôm nước lợ với một số đối tượng như cá rô phi, rong biển, vẹm xanh, hàu. Những ao hồ khi thả nuôi mà đối tượng nuôi bị bệnh thì phải xử lý kỹ trước khi thả nuôi lại, thời gian xử lý ít nhất 1 tháng.
Ông Nguyễn Tri Phương cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất tôm giống, kinh doanh thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát nguồn tôm giống, kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống không rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch và cơ sở cung ứng tôm giống cho người nuôi không theo lịch thời vụ. Sở yêu cầu chi cục này chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh đối với tôm nuôi, tham mưu kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý và công bố dịch (nếu có). Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư sớm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nhằm giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, hướng dẫn nuôi một số đối tượng thủy sản nước lợ khác; đồng thời xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và ứng dụng các kỹ thuật mới vào nuôi tôm để hướng dẫn người nuôi thực hiện. Sở NN-PTNT cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống cần chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong việc sản xuất và kinh doanh tôm giống, không xuất bán tôm giống cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh trước lịch mùa vụ quy định. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phải đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định, không bán các loại hóa chất, kháng sinh cấm…
Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương thông báo lịch thời vụ, mật độ thả nuôi tôm năm 2016 đến từng vùng nuôi cụ thể để người nuôi tôm biết, áp dụng. Đồng thời, các địa phương có nuôi tôm tăng cường giám sát vùng nuôi, chủ động xử lý các trường hợp thả tôm nuôi trước lịch thời vụ và xử lý triệt để ao nuôi khi có dịch bệnh xảy ra. Các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nuôi tôm đúng lịch thời vụ, cải tạo ao nuôi, lấy nước, chọn và mua tôm giống có chất lượng tốt. Người nuôi cần theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch thả tôm giống, thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi tôm có dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không được xả nước chưa qua xử lý hoặc tôm chết ra môi trường…Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT