Bên lề cuộc hội thảo “Thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cơ hội giao thương với Trung tâm thủy sản Trạm Giang (Trung Quốc)” diễn ra ở thành phố Cần Thơ ngày 18-4, ông Dũng cho biết, việc kỳ vọng xuất khẩu cá tra tăng giá trở lại như thời điểm những năm 2000-2005 là rất khó và không thực tế.
Theo lý giải của ông Dũng, sau một thời gian dài phát triển, sản xuất ngành cá tra Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, có nhiều bài học và cũng đã tận dụng được nguồn phụ phẩm từ con cá. Những yếu tố này cũng giúp làm giảm giá thành sản phẩm nên mong muốn trở lại thời kỳ như xưa là khó có thể.
Mặt khác, theo ông Dũng, Việt Nam phải tính đến chuyện cạnh tranh với cá của các nước. “Trung Quốc và nhiều nước không phải không nuôi được cá tra, mà chỉ không nuôi được với giá rẻ, quy mô công nghiệp và không có chuỗi giá trị để có thể sử dụng được tất cả phụ phẩm của con cá như Việt Nam thôi”, ông giải thích và nói rằng nếu Việt Nam thực hiện chiến lược đẩy giá lên quá cao sẽ kích thích người nuôi cá ở những quốc gia khác cạnh tranh.
“Nhưng, nếu chúng ta có mức giá vừa phải, thì những người này họ thấy không có lợi khi họ nuôi cá tra, thì chúng ta mới có thể duy trì được thị phần lớn và thống lĩnh được thị trường”, ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, ngành cá tra Việt Nam cũng cần phải có những phân khúc khác nhau và việc này sẽ được hình thành trong quá trình cạnh tranh của các doanh nghiệp. “Như vậy, hoạt động của các hiệp hội, cơ quan xúc tiến sẽ khuyến khích các doanh nghiệp”, ông cho biết.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Dũng, đây là thị trường tiềm năng trong tiêu thụ loại thủy sản này của Việt Nam, nhưng cũng lắm rủi ro. Cụ thể, thị phần cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc từ chỗ chiếm chỉ 3% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vào năm 2007, thì tính đến cuối năm ngoái đã chiếm đến 23%.
“Dự báo trong năm 2018-2019 tới, nhiều khả năng thị phần xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ chiếm đến 30%, thậm chí hơn”, ông Dũng nói và cho rằng tiềm năng cũng đi kèm rủi ro. Bởi, khi một thị trường xuất khẩu chiếm hơn 30% kim ngạch toàn ngành, thì sự thay đổi của thị trường hoặc sự biến động về chính sách đều bất lợi cho sự phát triển của ngành.