Kỹ thuật nuôi Cá còm

Kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá Còm

1. Nuôi vỗ cá bố mẹ

1.1. Ao nuôi vỗ cá bố mẹ

Ao đất hoặc xây xung quanh bằng gạch hoặc bêtông xi măng, có diện tích từ 200 m2 trở lên, độ sâu nước 0,8-1 m. Ao có cống cấp và thoát nước dễ dàng, chủ động. Trong ao có thể cắm chà hoặc thả một ít bèo lục bình tạo nơi trú cho cá. Ao cần phải tát cạn, diệt tạp, rải vôi đáy ao (7-10 kg/100 m2), lấy nước vào qua lưới chắn lọc.

1.2. Chọn cá bố mẹ nuôi vỗ

Cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ phải có độ tuổi 1+ trở lên và kích cỡ đồng đều, từ 300 g trở lên. Cá khoẻ mạnh, không bị sây xát. Cá được tắm nước muối 2% trước khi thả nuôi.
Mật độ thả nuôi 1,5-2kg/10 m2, tỷ lệ cá đực và cá cái 1/1 hoặc 2/1.
Mùa vụ nuôi vỗ từ tháng 11-12.

1.3. Thức ăn cho cá bố mẹ

Cá Còm ưa thích thức ăn tươi sống, vì vậy thức ăn cho cá bố mẹ chủ yếu là cá tạp, cá vụn băm nhỏ, ốc, tép…Hàng ngày cho cá ăn 2 lần, vào buổi sáng và chiều mát. Không cho cá ăn thức ăn đã bị ươn thối. Khẩu phần ăn 5-8 % khối lượng thân cá/ngày.
Nên cho thức ăn vào sàng ăn để kiểm tra được mức ăn của cá để điều chỉnh kịp thời. Có thể trộn hoặc ngâm thức ăn thêm một số loại vitamin như vitamin C và E, mỗi loại 10 mg/1kg thức ăn.

1.4. Quản lý ao nuôi

Hàng tuần thay nước ao 1 lần, mỗi lần 30-50 % lượng nước trong ao. Nếu thay nước được bằng thủy triều thì thay hàng ngày sẽ đảm bảo cho môi trường ao nuôi tốt hơn.

2. Kỹ thuật sinh sản và ương

2.1. Cho cá đẻ

Cho từng cặp cá đẻ trong bể xi măng: Bể có diện tích 10 m2, độ sâu nước 0,3-0,4 m, tạo dòng nước chảy nhẹ hoặc làm mưa nhân tạo. Bể có thả thêm các loại rong thủy sinh và các khúc gỗ, bộng cây, hốc đá làm chỗ dựa cho cá cũng như giá thể để cá đẻ. Hình thức này thường tốn rất nhiều bể nên khó áp dụng khi cho cho đẻ một lúc nhiều cặp cá bố mẹ.
Cho cá đẻ trong ao: Phải tát dọn sạch ao và vét sạch bùn đáy trước khi thả cá bố mẹ cho đẻ. Trong ao cũng nên thả một số ống, khúc gỗ, đoạn tre, ống nước để làm giá thể cho cá đẻ dính trứng vào đó.

Bước 1: Khi cá thành thục, chọn cá cái có bụng to, mềm, kiểm tra thấy hạt trứng căng tròn, đường kính trứng đạt từ 2,0-2,2 mm, bề mặt trứng còn rất ít mạch máu hoặc mạch máu đứt đoạn. Màu sắc trên thân cá đực trong lúc này chuyển màu sắc sáng vàng hơn trước và có những động tác bắt cặp với cá cái.

Bước 2: Tiêm kích dục tố HCG (Human chorionic gonadotropin) hoặc chất kích thích sinh sản LH-RHa (Lutenizing hormon-Releasing hormon analog) cho cá. Liều lượng dùng như sau:
Giới tính cá bố mẹ Liều lượng tiêm cho cá bố mẹ
HCG (UI/kg) LH-Rha ( g/kg)
Cá cái 4.000-4.500 120-150
Cá đực 1.000-1.500 40-50

Bước 3: Có thể áp dụng phương pháp thụ tinh tự nhiên hoặc thụ tinh nhân tạo như sau:

o Thụ tinh tự nhiên: Thả cá bố mẹ được tiêm kích dục tố hoặc chất kích thích sinh sản xuống ao. Tạo dòng nước chảy nhẹ trong ao để kích thích cá rụng trứng. Thời gian hiệu ứng của thuốc kích dục tố và chất kích thích sinh sản dao động từ 48-72 giờ, tùy thuộc vào mức độ thành thục và nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ khi cá đẻ thường dao động từ 24-25oC. Những ngày trời mưa, cá đẻ nhiều. Cá đẻ trứng dính vào các giá thể đặt dưới ao và cá đực bám theo để thụ tinh cho trứng. Cá cái đẻ trứng nhiều đợt, khi đẻ xong thì cá đực ở lại canh giữ và quạt nước để cho phôi phát triển.

o Thụ tinh nhân tạo: vuốt trứng ra chậu sạch, khô rồi mổ cá đực để lấy tinh dịch thụ tinh cho trứng. (Do không thể vuốt được tinh dịch cá đực ra ngoài, nên phải mổ để lấy buồng tinh nghiền nát rồi mới trộn với trứng để tiến hành thụ tinh). Biện pháp này tuy chủ động nhưng hao hụt cá đực nên cũng ảnh hưởng đến đàn cá bố mẹ. Trứng thụ tinh được rải lên mảnh lưới sợi và trứng bám chắc vào đó rồi đưa vào dụng cụ ấp. Âp trứng trong các dụng cụ đơn giản như thau chậu lớn (đường kính 60 cm), bể xi măng, bể composite. Nước ấp phải trong sạch, mức nước 0,2-0,3 m, có dòng chảy nhẹ và kết hợp sục khí. Thời gian ấp nở phôi cá Còm khá dài, từ 140-160 giờ (ở nhiệt độ 26-27oC). Do thời ấp kéo dài nên chú ý giữ cho môi trường nước ấp sạch để không bị nhiễm các loại nấm (đặc biệt là nấm thủy mi-Saprolegnia) và nguyên sinh động vật (Protozoa) làm hư hỏng trứng và phôi. Khi bị nhiễm nấm có thể sử dụng xanh methylen nồng độ 5ppm để diệt nấm trong bể ấp.

Bước 4: Theo dõi và quan sát hoạt động đẻ trứng của cá và thu trứng kịp thời. Nếu cho cá đẻ trong ao, cần kiểm tra nhiều lần trong ngày để phát hiện ổ trứng và thu vớt để kịp thời đưa vào dụng cụ ấp.
Do kích thước trứng khá lớn nên cá bột mới nở đã có chiều dài 1,2-1,5cm. Lúc này cá còn dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Từ ngày thứ 4, miệng cá bắt đầu cử động, sau đó có thể bắt được mồi bên ngoài. Từ ngày thứ 5, noãn hoàng tiêu biến và cá bơi lội tự do kiếm mồi.

2.2. Ương nuôi cá Còm giống

Ương nuôi cá bột lên cá giống trong bể xi măng hoặc trong giai lưới đặt trong ao.

Ương trong bể:

Sau khi cá hết noãn hoàng thì đưa cá vào trong bể. Bể xi măng có diện tích 5-10 m2, mực nước sâu 0,5-0,6 m. Phía trên bể phải có che nắng hoặc mưa. Mật độ ương 500-600 con/m2. Từ ngày thứ 5 cá bột đã có thể chủ động bắt mồi bên ngoài. Trong tuần đầu tiên, cung cấp phù du động vật (Moina, Daphnia), từ tuần thứ hai cho cá ăn trùng chỉ (Limnodrilus hoffmoistery). Hàng ngày xiphong đáy và thay nước mới cho bể (20-50 % lượng nước trong bể, tùy theo chất lượng nước trong bể). Với thức ăn như trên, sau thời gian ương 30 ngày, cá đạt chiều dài 7-8 cm, tỷ lệ sống từ 80-90 %.

Ương cá trong giai đặt dưới ao đất:

Giai có diện tích 10-12 m2, thành giai cao 1m. Đặt giai chìm trong mức nước 0,5-0,6 m. Mật độ thả ương trong giai 600-800 con/m2 giai. Phía trên giai nên có giàn che nắng hoặc mưa cho cá. Thức ăn trong tuần đầu cũng là Moina, Daphnia và sau đó cho ăn thêm trùng chỉ và tập dần cho ăn cá tạp xay nhuyễn, tuần thứ 3 cho ăn cá và tép băm nhỏ. Trộn thêm 10g các vitamin như C,D/1kg thức ăn. Hàng ngày thay 10-20 % lượng nước ao. Thời gian ương 30-35 ngày cá có thể đạt kích cỡ 6-8 cm và chuyển sang nuôi cá thịt. 

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.khuyennongvn.gov.vn/e-khcn/ky-thuat-nuoi-ca-com/view

Kỹ thuật nuôi Cá còm

Đặc điểm sinh học Cá còm - Notopterus chitala
  1. Kỹ thuật nuôi cá thát lát còm (Cá nàng hai)
  2. Sinh sản nhân tạo cá nàng hai Chilata ornata
  3. Một số bệnh thường gặp ở cá thát lát
  4. Kỹ thuật nuôi cá còm thương phẩm