Kỹ thuật nuôi Cá chài

Kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cá chày mắt đỏ

Ks. Phạm Đức Lương

GIỚI THIỆU

Dự án: “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Chày mắt đỏ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bắc Ninh” thuộc Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2015” do Bộ KH&CN- Sở KHCN tỉnh Bắc Ninh giao Xí nghiệp Thái Giang – DNTN Trung tâm Phát triển công nghệ thủy sản Việt Nam thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm ứng dụng công nghệ phát triển nuôi loài cá bản địa có giá trị kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phầnbảo vệ, phát triển nguồn lợi, đa dạng hóa các giống loài trong hệ thống nuôi thủy sản nước ngọt. Cá Chày mắt đỏ Squaliobarbus curriculus Richardson,1846 thuộc bộ cá Chép Cypriniformes, họ cá Chép Cyprinidae, là một trong những loài cá bản địa có giá trị kinh tế. Loài cá này có tính ăn tạp thiên về thực vật và mùn bã hữu cơ, thức ăn đa dạng gồm các nhóm tảo, thực vật thượng đẳng (quả, hạt, rễ, củ), chất hữu cơ mục nát, ngoài ra cá còn ăn động vật nhỏ (ấu trùng côn trùng, giáp xác, trứng cá và cá con). Cá có khả năng tăng trưởng về khối lượng cá thể tối đa đến 4 kg/con. Trong ao nuôi đơn, sau 1 năm đạt 0,7-0,8 kg/con. Cá bắt đầu phát dục ở tuổi 1+, đẻ trứng trôi nổi.Cá Chày mắt đỏ có chất lượng thịt ngon, thuộc loại cá quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển nuôi.

 1. Nuôi vỗ cá bố mẹ

1.1.Ao nuôi vỗ, yêu cầu kỹ thuật

   Chuẩn bị ao nuôi vỗ cá bố mẹ là khâu kỹ thuật quan trọng đảm bảo các chỉ tiêu môi trường về thủy lý hóa và loại trừ các yếu tố bất lợi trong quá trình nuôi vỗ phát dục thành thục của cá bố mẹ. Các biện pháp kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi bao gồm tát cạn nước, vét bớt bùn, tẩy vôi và phơi đáy ao nhằm loại trừ cá tạp, các chất độc, ký sinh trùng, vi khuẩn và nấm gây bệnh cá, tạo được môi trường sống phù hợp trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ.Việc tẩy vôi với liều lượng từ 7-10 kg/100m2 ao, ngoài việc diệt cá tạp, nấm, ký sinh trùng gây bệnh làm cho độ pH và độ kiềm nằm trong khoảng cho phép (7-8), tạo điều kiện thuận lợi cho một số sinh vật đáy và sinh vật phù du có lợi phát triển và làm tăng khả năng sản xuất thức ăn tự nhiên trong ao cho cá.

     Diện tích ao nuôi vỗ cá Chày mắt đỏ bố mẹ từ 500-1000m2, độ sâu từ 1,2 đến 1,5m. Cá Chày mắt đỏ có tập tính nhảy cao nên yêu cầu mặt bờ ao có độ cao hơn mặt nước từ 0,6 đến 0,8m. Ao nuôi cần có có nguồn nước bổ sung và hệ thống tiêu nước thuận tiện.

1.2. Cá bố mẹ, yêu cầu kỹ thuật

    Tuyển chọn cá bố mẹ có độ tuổi 1+đến 4 tuổi, khối lượng cá thể từ 0,8 kg trở lên. Cá bố mẹ khỏe mạnh, không bệnh tật, không dị hình.

1.3. Mật độ nuôi vỗ và thời gian nuôi vỗ

     Cá bố mẹ được nuôi vỗ chung trong cùng 1 ao. Mật độ nuôi là 15 kg /100m2 ao. Tỷ lệ cá đực cá cái là 1/1. Thời gian nuôi vỗ tích cực từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3. Thời gian nuôi vỗ thành thục từ đầu tháng 4 đến 15 tháng 5.

1.4. Thức ăn và chế độ cho ăn

- Trong kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cho cá Chày bố mẹ ăn thức ăn viên có hàm lượng Protein là 26%.

- Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3 là thời kỳ nuôi vỗ tích cực, khẩu phần thức ăn bằng 5% khối lượng cá bố mẹ.

- Giai đoạn nuôi vỗ thành thục từ đầu tháng 4 đến 15/5 giảm lượng thức ăn xuống còn bằng 1,5% khối lượng cá trong ao. Cho cá ăn vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều mát ở những vị trí cố định. Thường xuyên kiểm tra ao nuôi, quan sát hoạt động của cá, màu sắc, mức nước ao nuôi.

          Định kỳ mỗi tháng kiểm tra cá bố mẹ một lần để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Khi kiểm tra thấy cá béo cần giảm thức ăn.

1.5. Chế độ kích thích nước, quản lý ao nuôi
- Kích thích nước trong ao nuôi vỗ bằng cách bơm nước tạo dòng chảy, đảm bảo cho sự luân chuyển và thay đổi tối thiểu 1/3 khối lượng nước trong ao/tuần.

- Buổi sáng hàng ngày kiểm tra, quan sát tình trạng ao nuôi vỗ để có biện pháp xử lý, điều chỉnh thức ăn, bổ sung nước v.v.

1.6. Kiểm tra cá bố mẹ

- Tổ chức kiểm tra cá bố mẹ vào cuối giai đoạn nuôi vỗ thành thục để xác định thời gian cho cá đẻ.

Trong sản xuất, đánh giá tỷ lệ cá phát dục, thành thục theo kinh nghiệm nhận biết qua hình thái, màu sắc lỗ sinh dục của cá. Đối với cá đực có thể  dùng tay vuốt nhẹ bụng cá để kiểm tra tinh dịch. Đối với cá cái dùng que thăm trứng ...

- Kết quảnuôi vỗ cá bố mẹ được đánh giá bằng tỷ lệ cá phát dục và thành thụcsau 3 đến 3,5 tháng nuôi vỗ(từ đầu tháng 2 đến 15/5)bằng loại thức ăn có hàm lượng 26% proteine,tỉ lệ cá bố mẹ phát dụcso với số cá đưa vào nuôi vỗ phảiđạttừ  80 đến 85%.

2. Cho cá đẻ
2.1.  Mùa vụ cho cá đẻ

       Mùa vụ cho cá Chày mắt đỏ sinh sản từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 8. Thời gian cho cá đẻ tốt nhất từ tháng 6  đến giữa tháng 7. Thời kỳ này  tuyến sinh dục chín muồi đạt hệ số thành thục cao nhất. Từ cuối  tháng 8 các sản phẩm sinh dục đã bắt đầu giảm dần và chuyển sang giai đoạn thoái hóa. Xác định thời gian sinh sản tốt nhất giúp cho việc lập kế hoạch sản xuất đảm bảo mùa vụ và số lượng con giống theo yêu cầu.

2.2. Chọn cá cho đẻ

         Từ 15/5 đến 20/5 tiến hành chọn cá bố mẹ cho đẻ. Dùng que thăm trứng và dùng tay vuốt nhẹ bụng cá đực để kiểm tra tinh dịch. Cá đã tuyển chọn cho đẻ được nhốt trong các bể chờ tiêm. Bể có kích thước 1,2m x 2,5m x 1,0 m, có lắp đạy. Cho nước thường xuyên chảy nhẹ và sục khí, đảm bảo hàm lượng O2 hoà tan ở mức 4-5 mg/l.

2.3. Liều lượng kích dục tố và cách tiêm

-  Dùng dung dịch nước sinh lý (hoà 6g muối ăn trong 1 lít nước chưng cất). Xác định số cá cần tiêm để pha thuốc sao cho vừa đủ. Việc sử dụng Dom phối hợp với LRHa có thể pha loãng lượng dung dịch để dễ dàng truyền thuốc kích thích cho cá sinh sản nhưng 1 cá thể tiêm không quá 2 ml dung dịch/lần  tiêm.

-  Liều lượng tiêm cho 1 kg cá cái: 40 mg LRH phối hợp với 30 mg Dome . Liều lượng tiêm cho cá đực: Bằng 1/5 liều tiêm cá cái. Tiêm tại gốc vây ngực của cá. Tiêm cho cá cái lần 1 (liều khởi động) bằng 1/10 lượng thuốc dự tính. Số còn lại dành tiêm cho lần 2 (liều quyết định). Khoảng cách giữa 2  lần tiêm từ 4-6 giờ. Tiêm cho cá đực 1 lần cùng với liêù tiêm quyết định (lần 2) cho cá cái. Vị trí tiêm tại gốc vây ngực của cá bố mẹ.

2.4. Thiết bị cho cá đẻ và ấp trứng:

Trứng cá Chày mắt đỏ thuộc loại trôi nổi như trứng cá Trôi trắng Việt Nam, cá Trôi Ấn độ. Cho cá đẻ bằng phương pháp vuốt trứng là sau khi tiêm kích thích sinh sản, cá bố mẹ được nhốt riêng trên bể có sục khí và tạo dòng chảy kích thích cá rụng trứng. Hiệu ứng của kích dục tố sau 5-6 giờ khi thấy cá rụng trứng thì tiến hành vuốt trứng, thụ tinh nhân tạo cho trứng và ấp trứng trong bình Weiss. Thiết bị ấp trứng trong bình Weiss là thiết bị được cải tiến, dễ vận hành hơn ấp trong bể vòng, lượng nước tiêu thụ ít, dễ thao tác.

- Thời gian cá đẻ: Trong điều kiện nhiệt độ từ 25-270C, cá đẻ sau khi tiêm liều quyết định từ 5 đến 6 giờ. Tỷ lệ cá đẻ theo đúng quy trình  đạt 75-80%

2.5. Thụ tinh và ấp trứng

         Sau khi tiêm liều quyết định từ  5-6 giờ thường xuyên kiểm tra thời điểm cá  rụng trứng bằng cách vuốt nhẹ bụng cá cái. Khi dùng tay vuốt nhẹ, thấy cá chảy trứng phải kịp thời thao tác thu trứng

Sau khi tiêm liều quyết định từ  5-6 giờ thường xuyên kiểm tra thời điểm cá  rụng trứng bằng cách vuốt nhẹ bụng cá cái. Khi dùng tay vuốt nhẹ, thấy cá chảy trứng phải kịp thời thao tác thu trứng. Trứng của 1 cá thể cái thụ tinh với 50% lượng tinh dịch của 2 cá thể đực. Dùng lông vũ khô đảo nhẹ và đều toàn bộ trứng, sau đó cho 5-10 ml nước sạch và đảo đều rồi đưa vào bình Weiss ấp trứng.

- Mật độ ấp trứng trong bình Weisstừ 8.000 đến 10.000 trứng/lít. BìnhWeisscó thể tích trên 200 lít ấp được từ 1,5-2,0 triệu trứng. Lượng nước sử dụng qua bình ấp trứng trung bình 0,4-0,5 lít/giây. Trong suốt quá trình ấp trứng cần đảm bảo lưu tốc nước ổn định và vệ sinh mạng tràn.

- Thời gian cá nở: Thời gian phát triển phôi phụ thuộc vào nhiệt độ nước trong bể ấp. Khi nhiệt độ nước tăng thì thời gian phát triển các giai đoạn của phôi giảm và ngược lại. Trứng cá Chày mắt đỏ được ấp ở nhiệt độ dao động từ 29 - 310C sẽ nở sau  12 giờ, trứng ấp ở nhiệt độ từ 25 -270C thời gian ấp trứng kéo dài tới 14 h, tỷ lệ cá nở đạt trung bình 60%.

- Năng suất cá bột:Khâu nuôi vỗ, chọn cá bố mẹ cho đẻ, thụ tinh và ấp trứng đúng kỹ thuật, năng suất cá bột đạt trung bình 40.000 cá bột/kg cá cái.

3. ƯƠNG CÁ BỘT LÊN CÁ HƯƠNG TRONG AO VÀ TRONG GIAI
3.1. Chuẩn bị ao và giai ương:

- Chuẩn bị ao ương:  Ao ương có diện tích từ 300m2-1000m2, độ sâu ao từ 1,0-1,2 m. Ao không bị cớm rợp, có nguồn nước sạch để cấp thêm nước trong thời gian ương nuôi. Ao ương được tát dọn, bờ chắc chắn, không có hang hốc. Đáy phẳng, lớp bùn đáy dày từ 10-15 cm, được tẩy vôi với nồng độ từ 7-10 kg/100m2 ao và phơi đáy từ 1-2 ngày, sau đó cấp  nước đạt độ sâu từ 1-1,2 m.  Một số chỉ tiêu môi trường ao ương cần đảm bảo: pH = 7,0-7,5; Hàm lượng ô xy hòa tan trên 3,0mg/l; Độ trong  20-30 cm.

- Chuẩn bị giai ương:Giai lưới có diện tích 5m2, mắt lướigiai cỡ<0,1mm.Cọc cắm giai đảm bảo chắc chắn, buộc 4 góc của giai vào cọc sát với đáy ao đảm gió to không bị lật đáy giai. Diện tích cắm giai trong ao không vượt qua 70% mặt thoáng của ao.

3.2. Mật độ, thời gian ương trong ao đất và trong giai

- Mật độ ương từ cá bột lên cá hương là 250 con/m2.
- Thời gian ương từ 20-25 ngày.

3.3. Khẩu phần ăn của cá

       Thức ăn trong giai đoạn ương từ cá bột lên cá hương là bột đỗ tương. Trong tuần đầu thức ăn được nấu chín, rải đều xung quanh ao ương.


- Tuần thứ nhất thức ăn đựợc nấu chín cho cá ăn.
     - Những tuần tiếp theo cho cá ăn thức ăn dạng bột không cần nấu chín.
      - Thời gian cho  cá ăn vào buổi sáng sớm và buổi chiều mát.

3.4. Tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá bột lên cá hương

         Thời gian ương từ 20-25 ngày, cỡ cá hương đạt từ 2,5-3,0 cm, khối lượng 0,4-0,6 g/cá thể. Tỷ lệ sống đạt trung bình đạt trên 60%.

3.5. Phòng trừ địch hại, kiểm tra cá

         Trong  thời gian ương từ cá bột lên cá hương, kỹ thuật viên cần kiểm tra ao vào buổi sáng sớm để phòng ngừa định hại cá như ấu trùng của ếch nhái (nòng lọc), bọ gạo, rắn... Những sinh vật này có thể làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá. Tuần ương nuôi thứ 3-4 tiến hành kiểm tra và luyện ép cá (quấy dẻo ao ương) để cá khỏe, khi thu hoạch giảm được tỷ lệ hao hụt.

4. ƯƠNG CÁ HƯƠNG LÊN CÁ GIỐNG
4.1. Chuẩn bị ao ương

      Chuẩn bị ao ương từ cá hương lên cá giống tương tự như ao ương từ cá bột lên cá hương.

4.2. Mật độ, thời gian ương

       Mật độ ương từ cá hương  lên cá giống là 25 con/m2. Thời gian ương tiếp theo từ 20-25 ngày.

4.3. Chăm sóc quản lý

        Sử dụng thức ăn  có hàm lượng Protein 26%. Khẩu phần ăn theo bảng 3.


- Thời gian cho ăn chia làm 2 lần vào sáng sớm và buổi chiều mát.

- Sau 20-25 ngày theo đúng kỹ thuật, cỡ cá giống đạt từ 5-7 cm, khối lượng đạt 2-2,5 g/cá thể.

       Trước khi thu hoạch cần kiểm tra ao ương nuôi, quấy dẻo để cá khỏe, khi đánh bắt xuất bán hoặc đưa ra ao nuôi cá thịt hạn chế tỷ lệ hao hụt. Thực hiện đúng kỹ thuật, tỷ lệ sống khi ương nuôi từ cá hương lên cá giống sẽ đạt 75- 80%.

5. Bệnh cá:

- Giai đoạn cá hương đến cá giống, cá có thể mắc bệnh kí sinh trùng là Trichodina sp và trùng quả dưa
Ichthuyophthyriusmultifiniis kí sinh trên cơ thể cá Chày mắt đỏ.

- Phòng và trị bệnh: trong các ao ương nuôi cá hương cá giống khi phát hiện có kí sinh trùng, ao cần được bón vôi bột với nồng độ 1,5kg/100m3 nước ao. Định kỳ bổ sung nước sạch kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi.

Tài liệu tham khảo

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THỦY SẢN VIỆT NAM

Kỹ thuật nuôi Cá chài

Đặc điểm sinh học Cá chài - Leptobarbus hoevenii