Kỹ thuật nuôi cá mú cọp trong hồ đá chắn và lồng bè
Thái Thuận
Chuẩn bị lồng bè, hồ chắn
Lồng bè dạng nổi. Lưới làm bằng sợi nilon; lưới trơn để tránh làm xây xát cá nuôi. Kích cỡ mắt lưới phù hợp với kích cỡ cá nuôi; giai đoạn thả giống kích cỡ mắt lưới 2a: 3 cm, giai đoạn cá trọng lượng trên 300 g/con kích cỡ mắt lưới 2a: 4 cm.
Lồng đặt khu vực biển kín gió. Độ sâu 7 m khi thủy triều thấp nhất, đáy biển là sỏi cát. Dòng chảy nhẹ có tốc độ bình quân 0,5 m/s. Biên độ dao động của thủy triều dưới 3 m. Độ trong: 3 - 5 m; độ mặn: 29 - 33‰; nhiệt độ: 23 - 25oC. Nước trong sạch, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, dân dụng hoặc sinh vật hữu cơ có hại.
Hồ đá chắn được xây dựng tại khu vực kín gió. Nước biển thông với hồ qua hệ thống ống cống, miệng cống được bao vỉ lưới làm từ inox với kích thước mắt lưới thường dùng 2a: 2 cm.
Diện tích hồ: 100 - 150 m2
Mực nước trong khu vực khi triều thấp nhất đạt 1,5 - 2 m. Bờ chắn cao hơn mặt nước thời điểm triều cao nhất là 5 m, đảm bảo vào mùa biển động nước không tràn hồ làm thất thoát cá nuôi.
Chọn con giống
Cá giống khỏe mạnh, đều cỡ, màu sắc tự nhiên; không có hiện tượng bị tróc vảy, tuột nhớt, cá không có dấu hiệu bệnh lý, không bị tổn thương hay dị tật, dị hình.
Con giống có kích thước: 12 cm.
Mật độ thả đối với lồng bè là 15 con/m3, hồ chắn 4 con/m2.
Mùa vụ thả: Con giống được thả quanh năm nhưng tốt nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 (âm lịch). Cá mú cọp của mô hình được thả vào tháng 8/2016.
Cá giống trước khi thả nuôi, tiến hành tắm bằng nước ngọt có pha Avaxide với nồng độ 10 ppm, hoặc Formalin nồng độ 50 ppm. Nên thả cá khi trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối) để đảm bảo cho cá khỏe mạnh. Khi thả cá, ngâm bao chứa cá vào lồng nuôi khoảng 10 - 15 phút để cân bằng môi trường nước, sau đó cho nước từ từ vào miệng túi và tiến hành thả cá.
Cho ăn
Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp. Trước khi cho cá ăn cần ngâm thức ăn khoảng 15 phút cho mềm giúp cá dễ bắt mồi và tiêu hóa nhanh hơn. Thức ăn đưa xuống từ từ hoặc đưa nhiều điểm để tất cả cá đều được ăn. Lượng thức ăn bằng 5% trọng lượng cá. Cho cá ăn 3 ngày ngưng 1 ngày để cá có thời gian tiêu hóa hết thức ăn.
Giai đoạn cá còn nhỏ (tháng đầu), cho cá ăn 2 lần/ngày (sáng và chiều), bổ sung thêm Vitamin C và khoáng chất vào thức ăn cho cá.
Quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh phù hợp nhu cầu của cá.
Không cho ăn thức ăn mốc, ôi thiu sẽ dễ gây cho cá phát bệnh hoặc trúng độc.
Chăm sóc
Khi cá đạt 300 g/con tiến hành phân loại, chọn những con đồng cỡ nuôi riêng.
Thường xuyên kiểm tra lồng bè để phát hiện kịp thời những vết rạn nứt hoặc phần rách của lưới (1 ngày/1 lần). Mỗi tuần vệ sinh lồng ít nhất 1 lần, thực hiện trước mỗi bữa ăn của cá. Vào những ngày biển lặng, sáng sớm và chiều tối tiến hành sục khí ôxy. Trong quá trình nuôi, định kỳ 5 ngày tắm cho cá và thay lưới 1 lần.
Hàng ngày, phải chú ý theo dõi các hiện tượng có thể xảy ra đối với cá nuôi trong lồng như: Cá nổi đầu do thiếu ôxy, cá bị nhiễm độc do nước bị ô nhiễm, cá kém ăn hoặc bỏ ăn do môi trường thay đổi xấu, thức ăn kém chất lượng hoặc cá bị nhiễm bệnh.
Kịp thời có biện pháp xử lý các hiện tượng trên bằng cách: Sử dụng sục khí làm tăng lượng khí ôxy hòa tan, di chuyển lồng ra khỏi khu vực môi trường bị ô nhiễm bẩn, cho cá ăn đủ chất lượng và số lượng, loại bỏ cá bệnh ra khỏi lồng.
Ở khu vực nuôi có dịch bệnh xảy ra, cần cách ly những lồng bị bệnh bằng biện pháp kéo lồng bè xuống vị trí cuối dòng nước chảy và kịp thời chữa bệnh cho cá nuôi.
Kết quả
Sau 12 tháng, cá mú cọp đạt trọng lượng bình quân gần 1 kg/con, tỷ lệ vượt đàn > 1 kg/con chiếm 6%, được ghi nhận trong hình thức nuôi lồng. Tại 2 hộ nuôi theo hình thức trong lồng, một hộ có cá phát triển đều hơn, bình quân trọng lượng cao hơn hộ còn lại khoảng 50 - 100 g/con. Riêng hình thức nuôi trong hồ đá chắn, cá phát triển ổn định, màu sắc sáng bóng tự nhiên, tỷ lệ phân đàn không cao. Giải pháp kỹ thuật được chia sẻ cho thấy, cần thiết quản lý yếu tố đầu vào chặt chẽ, quan sát biểu hiện của cá hàng ngày để điều chỉnh thức ăn, kịp thời xử lý.
Tài liệu tham khảo
Thủy sản Việt Nam