Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính đực qua đông
KNQG
Giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính lai xa qua đông.
I. ƯƠNG CÁ GIỐNG
Chuẩn bị ao ương cá giống: Ao có diện tích thích hợp để thuận lợi cho chăm sóc, quản lý và thu hoạch cá giống, diện tích từ 200 – 500m2. Bờ ao chắc chắn, độ sâu mực nước từ 1,2 - 1,5m, ao thoáng gió, không rợp bóng để tạo điều kiện cho quá trình khuyếch tán ôxy và các khí khác.
Xử lý ao trước khi thả cá giống: Ao ương cá giống được bơm tát cạn, nạo vét lớp bùn mặt đáy ao chỉ giữ lại khoảng 15cm, sau đó bón vôi với lượng 7 - 10 kg/100m2, vôi được trộn đều với lớp bùn, phơi ao 5 - 7 ngày, sau đó bón các chế phẩm sinh học tạo màu nước theo hướng dẫn trên bao bì.
Chế phẩm sinh học có tác dụng làm ổn định môi trường ao nuôi, giúp phân hủy các chất hữu cơ tích tụ trong bùn, phân hủy các chất độc đồng thời tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Nguồn nước cấp vào ao không bị ô nhiễm để bảo đảm an toàn cho đàn cá còn nhỏ, sức đề kháng còn yếu. Nước cấp được lọc qua hệ thống lưới đăng mắt nhỏ để hạn chế sự xâm nhập của tôm, cua, cá cũng như trứng và các ấu trùng của chúng, để hạn chế cạnh tranh thức ăn và gây hại cá.
Thời vụ và mật độ thả: Thời vụ thả cá chọn lúc thời tiết thích hợp (có thể đầu tháng 10), lúc có nền nhiệt độ còn cao, cá sinh trưởng nhanh, đến khi thời tiết vào rét cá đạt trên 100g/con, đủ sức chống rét qua đông. Nhu cầu diện tích ương cá giống khoảng 15-20% diện tích nuôi cá thương phẩm. Mật độ 15-30 con/m2. Nhu cầu cá giống cho 1 ha nuôi cá thương phẩm sau khi trừ tỷ lệ cá hao hụt, cá không bảo đảm tiêu chuẩn, bảo đảm mật độ khoảng 25.000 - 30.000 con.
Thả cá giống và chăm sóc: Thả cá giống có khối lượng 2 - 8g/con. Cá khỏe, độ đồng đều cao, cá không bị dị tật, xây xát. Thả cá giống vào buổi sáng hoặc chiều mát. Thả đầu gió là nơi có hàm lượng oxy cao, giúp cá nhanh hồi phục và phân tán nhanh. Ngâm sọt hoặc túi cá giống xuống ao đến khi cân bằng nhiệt trong túi và môi trường ao. Mở miệng túi ngay mặt nước từ từ, dùng tay té nước nhẹ nhàng để cá bơi ra ngoài.
Chế độ dinh dưỡng: Thường sau 1 ngày thả cá mới cho ăn. Hàng ngày, cho cá ăn 3 - 4 lần, khoảng cách 2 - 3 giờ, lượng thức ăn bằng 12 - 15% khối lượng cá giống trong ao. Sử dụng cám công nghiệp có hàm lượng đạm cao từ 35 - 40%. Nên bổ sung thức ăn siêu dinh dưỡng, vitamin tổng hợp và chất khoáng.
Thường xuyên theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, không để cá đói hoặc dư thừa thức ăn. Cấp nước, thay nước nếu môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Nên sử dụng máy phun mưa để bổ sung ôxy. Sau nuôi 10 – 15 ngày nên bổ sung chế phẩm sinh học có tác dụng phân hủy mùn bã hữu cơ.
II. NUÔI CÁ THƯƠNG PHẨM
1. Chuẩn bị ao nuôi
Để tiện cho quá trình chăm sóc, quản lý, ao nuôi cá thương phẩm không quá to hoặc quá nhỏ, thích hợp từ 1.000 – 5.000 m2. Bờ ao chắc chắn, độ sâu nước từ 1,5 – 2m, vị trí ao thoáng gió, trên bờ không trồng cây ăn quả, cây có tán rộng.
Xử lý ao trước khi thả cá tương tự như ao ương cá giống. Nên bố trí ao ương cá giống gần ao nuôi thương phẩm để thuận lợi cho vận chuyển cá giống.
2. Kỹ thuật chuyển cá giống sang ao thương phẩm
Cá giống sau khi nuôi ở ao ương đạt khối lượng từ 100-200g/con thì chuyển sang ao nuôi thương phẩm, chú ý theo dõi tình hình thời tiết để chuyển cá vào ngày có nền nhiệt độ từ 200C trở lên. Trước khi kéo cá phải luyện cá, cho cá nhịn ăn 2 ngày để làm quen với môi trường khắc nghiệt và tăng tỷ lệ sống khi sang ao. Loại bỏ những con dị hình, dị tật, cá nhỏ không đạt so với mặt bằng chung.
3. Mật độ thả và tỷ lệ ghép với cá rô phi
Nuôi cá rô phi qua đông, rô phi là chính, ghép với cá truyền thống để tận dụng các tầng nước, nguồn thức ăn, giảm ô nhiễm nguồn nước, tăng hiệu quả kinh tế.
Mật độ thả: 2 con/m2, 1 sào ao nuôi 500 m2 nên thả: cá rô phi khoảng 850 - 900 con, cá chép 40 – 60 con khối lượng 80 – 100g/con, cá trắm cỏ 30 – 40 con khối lượng 500 – 700g/con, cá mè trắng khoảng 20 - 30 con, mè hoa 3 – 4 con, cá mè có khối lượng 500 - 1.000g/con.
4. Chế độ dinh dưỡng
Để cá sinh trưởng phát triển tốt cần cung cấp thức ăn tổng hợp và thức ăn chế biến có đầy đủ chất dinh dưỡng.
Thức ăn tự chế biến nên phối trộn theo công thức sau: cám gạo 60%, bột ngô 20%, bột cá 20%… nấu chín cho cá ăn. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào 8 – 9 giờ sáng và 14 – 15 giờ chiều. Không cho cá ăn muộn, khi cá thải phân mặt trời lặn thiếu ánh sáng, giảm quá trình phân hủy phân cá, đêm tảo hô hấp làm giảm lượng oxy trong ao nuôi dẫn đến tiêu hóa thức ăn của cá chậm hơn. Nên cho cá ăn vào thời gian nhất định tạo cho cá phản xạ, rải thức ăn quanh ao để cá ăn mồi được đều. Giảm lượng thức ăn vào những ngày thời tiết thay đổi, bổ sung các loại vitamin tổng hợp vào thức ăn để cá tăng sức đề kháng. Sau khi cho cá ăn 30 phút tiến hành kiểm tra nếu lượng thức ăn trên ao còn thừa hay đã hết để điều chỉnh cho phù hợp.
5. Quản lý ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh
Định kỳ một tháng kiểm tra một lần, bắt 30 – 50 con để xác định khối lượng trung bình, xác định khối lượng cá có trong ao.
Nếu nước ao cạn cấp bổ sung cho bảo đảm mực nước từ 1,5 – 2m bằng nguồn nước an toàn, nước ở ao đã được xử lý, tốt nhất nước giếng khoan đạt tiêu chuẩn nuôi cá. Thường xuyên theo dõi màu nước ao, nếu nước không bảo đảm tiêu chuẩn thì áp dụng biện pháp thay nước và các biện pháp kỹ thuật khác để xử lý.
Thường xuyên kiểm tra độ pH, tình trạng sức khỏe của cá nhất là hiện tượng cá nổi đầu, cá chết để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Định kỳ dùng các chế phẩm tẩy trùng ao nuôi, nguồn nước lấy vào ao phải bảo đảm an toàn không ô nhiễm, cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để cá khỏe, giữ gìn ao nuôi sạch, dùng các chế phẩm sinh học định kỳ xử lý ao nuôi…
6. Phòng chống rét cho cá qua đông
Luôn luôn bảo đảm mực nước 1,7 – 2m, thả bèo tây 1/3 mặt ao về phía Bắc.
Sử dụng nilon trắng che kín mặt ao vào những ngày rét hại cách mặt nước khoảng 1m, dùng rơm rạ bó thành từng bó nhỏ có đường kính 30 – 50cm ngâm chìm dưới đáy ao, dùng vòi bơm cũ, cống xi măng… thả xuống ao làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nhiệt độ thấp.
Cho cá ăn vào những ngày có nhiệt độ trung bình 18oC trở lên, không đánh bắt vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 18oC. Sử dụng các thức ăn là cám công nghiệp, cám chuyên cho cá rô phi hoặc cám tự chế biến từ ngô, cám gạo, thóc, bột cá nhạt, đậu tương nhưng phải bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng đạm cao. Bổ sung thêm vitamin tổng hợp vào thức ăn để cá khỏe mạnh và chống rét tốt.
7. Thu hoạch cá
Nuôi cá rô phi thương phẩm qua đông, sau 7 – 8 tháng tiến hành thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt 700g/con trở lên. Cần theo dõi giá cả thị trường để thu hoạch có giá tiêu thụ cao. Tát cạn hoặc rút nước, dùng lưới kéo bắt cá.
Nuôi cá rô phi thương phẩm qua đông có thuận lợi nền nhiệt độ thấp nên dịch bệnh phát sinh ít, thời điểm thu hoạch không trùng với cá vụ hè nên giá bán cao, nếu bảo đảm các điều kiện: thời điểm thả cá thích hợp, thời tiết thuận lợi, sử dụng cá giống đơn tính đực lai xa, xử lý môi trường ao tốt, có chế độ nuôi dưỡng, quản lý và phòng trừ dịch bệnh tốt, phòng chống rét cho cá, người nuôi sẽ có thu nhập cao.
Tài liệu tham khảo
TTKNQG
- Phòng và điều trị bệnh liên cầu khuẩn ở cá rô phi
- Hướng dẫn phòng, chống bệnh do TiLV trên cá rô phi
- Kỹ thuật sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực
- Kỹ thuật nuôi cá rô phi
- Việc cần làm trước khi đào ao nuôi cá Rô Phi?
- Công nghệ Biofloc giúp giảm nhiễm khuẩn Streptococus ở cá rô phi
- Làm thế nào kiểm soát chất lượng nước trong trại nuôi cá rô phi?