Kỹ thuật nuôi Cá chẽm

Quy trình sản xuất cá vược

TSVN Tổng hợp

Chọn cá bố mẹ

Cá bố mẹ được tuyển chọn từ nguồn cá nuôi thương phẩm hoặc cá đánh bắt tự nhiên. Chọn cá bố mẹ đảm bảo các tiêu chuẩn như: cá khỏe mạnh, hình dạng cân đối, màu sắc sáng tự nhiên. Cá đực có khối lượng > 2,5 kg/con, cá cái > 4 kg/con.

Trước khi đưa vào nuôi vỗ cần có thời gian thuần dưỡng cá bố mẹ để chúng dần dần thích nghi với điều kiện sống nhân tạo, đặc biệt đối với cá có nguồn gốc ngoài tự nhiên.

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Có 2 hình thức nuôi vỗ: Nuôi trong lồng và trong bể xi măng. Đối với nuôi lồng, lồng cá làm bằng lưới nilon có kích cỡ từ (5x5x2) m đến (10x10x2) m, mắt lưới 5 - 8 mm. Lồng được đặt nơi yên tĩnh, nước trong sạch và có lưu thông, giữ mồi trong lồng bằng thùng phuy hay tre. Cá bố mẹ cũng có thể được nuôi trong bể xi măng có thể tích 75 - 150 m3. Bể được vệ sinh sạch, khử trùng bằng Chlorine nồng độ 40 ppm sau đó rửa sạch lại bằng nước ngọt trước khi cấp nước biển sạch vào.

Mật độ thả cá trung bình 1 kg/m3. Duy trì chất lượng nước tốt là yếu tố rất quan trọng trong việc nuôi, đảm bảo các thông số: Nhiệt độ khoảng 28 - 32oC;  độ mặn 29 - 32‰; pH 6,8 - 8.

Khẩu phần ăn hàng ngày khoảng 3 - 5% trọng lượng thân, cho ăn vào chiều muộn (16 - 17 giờ). Thường xuyên theo dõi hoạt động và tình trạng sức khỏe của cá, vệ sinh lồng và bể. Định kỳ 15 ngày, kiểm tra sự thành thục của tuyến sinh dục bằng que thăm trứng đối với cá cái và vuốt sẹ đối với cá đực. Khi cá đạt tiêu chuẩn về sự thành thục thì tiến hành kích thích sinh sản.

Cho sinh sản

Vào mùa sinh sản, kiểm tra cá đực bằng cách khi vuốt nhẹ trên bụng có sẹ chảy ra. Cá cái có bụng mềm, lỗ sinh dục lồi ra, màu đỏ hồng. Khi trứng chín, vuốt bụng trứng sẽ chảy ra. Dùng ống hút nhựa đường kính 1,2 mm đưa vào sâu 6 - 9 cm để hút trứng. Lựa chọn cá cái có đường kính trứng 0,4 - 0,5 mm hoặc lớn hơn để cho đẻ.

Phương pháp sinh sản

Đẻ tự nhiên

Trước khi cho đẻ 4 tuần, chuyển cá bố mẹ vào bể, mật độ 1 kg/m3 với tỷ lệ đực cái là 1:1, thay nước hàng ngày với tỷ lệ 80 - 100%, độ mặn đảm bảo 30‰. Trong điều kiện môi trường và chất lượng nước thích hợp, cá cái sẽ dần dần trương bụng lên khoảng 1 - 2 tuần trước khi đẻ, tách đàn, giảm ăn trong khi con đực hoạt động bình thường và chủ động. Đẻ tự nhiên trong bể diễn ra đồng thời với cá đẻ ngoài bãi đẻ, thường từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 7, cá đẻ từ 19 đến 23 giờ đêm của ngày thứ nhất đến ngày thứ 8 vào kỳ trăng non hay trăng tròn.

Kích thích sinh sản bằng tiêm hormone

Sử dụng hormone kích thích rụng trứng HCG (Human Choriomic Gonadotropin). Thông thường có thể dùng 50 UI HCG/kg và 0,5 - 1 mg não thùy cá chép và liều thứ 2 là 100 - 200 UI HCG và 1,5 - 2 mg não thùy sau khi tiêm lần đầu 12 giờ. Cá đực tiêm liều bằng 1/2 liều cá cái. Thời gian tiêm kích dục tố phải tính toán sao cho cá sẽ đẻ vào lúc tối.

Kích thích bằng thay đổi môi trường

Thay đổi độ mặn: Vào thời điểm 1 - 2 tháng trước mùa đẻ, cá bố mẹ kích cỡ trên 4 kg sẽ được chuyển vào bể đẻ, mật độ thả là 1 con/4 - 5 m3. Ban đầu độ mặn trong bể giống như trong lồng hay ao nuôi trước đây. Sau 2 - 3 ngày, cá đã thích nghi thì bắt đầu giảm dần độ mặn xuống còn 20 - 25‰, giữ cá với độ mặn này trong vòng 7 ngày. Hàng ngày thay 60 - 70% nước để nâng cao dần độ mặn lên 30 - 32‰ giống như lúc cá mới di cư đi đẻ. Vào những ngày trăng non, hay trăng tròn, lúc giữa trưa hạ mức nước xuống còn 30 cm và phơi nắng 3 - 4 giờ để tăng nhiệt độ lên đến 30 - 32oC, sau đó, cho nước biển mới vào để giảm nhiệt độ xuống còn 27 - 28oC giống như triều lên. Nếu cá chín muồi sinh dục tốt thì chúng sẽ đẻ ngay đêm đó, nếu không đẻ có thể lặp lại biện pháp trên hoặc tiêm hormone.

Thụ tinh nhân tạo

Áp dụng phương pháp thụ tinh khô. Vuốt trứng cá cái trực tiếp vào dụng cụ chứa khô và sạch, sau đó cho tinh dịch vào. Dùng lông gà khuấy đều trứng và tinh dịch khoảng 2 - 3 phút, sau đó rửa 3 - 4 lần và chuyển vào bể ấp.

Thu và ấp trứng

Sử dụng vợt thu trứng bằng lưới mềm, mịn, có kích thước mắt lưới 200 - 300 µm thu trực tiếp trứng trong bể đẻ vào sáng sớm ngày hôm sau. Trứng thu xong rửa sạch chuyển vào bể ấp tròn, mật độ ấp 500 - 1.000 trứng/lít. Độ mặn tốt nhất khoảng 28 - 30‰. Sục khí nhẹ để tránh trứng bị chìm xuống đáy, những trứng không thụ tinh sẽ được loại bỏ bằng biện pháp xi phông. Sau 10 giờ, thay nước 50% nước trong bể ấp, thời gian ấp được 17 - 18 giờ ở nhiệt độ 26 - 28oC trứng sẽ nở.

Ương ấu trùng

Ương trong nhà

Bể ương có thể tích 3 - 10 m3. Các trang thiết bị được sử dụng như hệ thống bể, dây sục khí, lưới, vợt… tất cả được tẩy trùng bằng Chlorine. Mật độ 50 - 100 ấu trùng/lít nước. Độ mặn được duy trì khoảng 28 - 30‰. Hàng ngày thay nước khoảng 10 - 20%.

Có thể ương ấu trùng theo phương pháp nước xanh hay nước trong. Đối với ương ấu trùng trong hệ thống nước trong, hai ngày sau khi nở, ấu trùng được cho ăn với luân trùng (kích cỡ 100 µm) với mật độ 2 - 3 con/ml. Mật độ luân trùng sau đó tăng dần 3 - 5 con/ml từ ngày 3 đến ngày 10 và  5 - 10 con/ml từ ngày 11 đến ngày 14, cùng lúc kích cỡ luân trùng cho ăn cũng được tăng dần từ 100 đến 200 µm sau ngày thứ 5, sau ngày thứ 11 ấu trùng kích cỡ khoảng 4,5 mm sẽ được cho ăn ấu trùng của Artemia.

Ương ngoài trời

Sau khi ương trong nhà 14 ngày, phân cỡ và chuyển ấu trùng tới bể ương ngoài trời để ương tới ngày tuổi 21. Mật độ khoảng 20 - 40 ấu trùng/lít, độ mặn 25 - 26 ‰ và hàng ngày thay nước khoảng 50%. Các loại thức ăn sử dụng có thể là Artemia trưởng thành hay thức ăn hỗn hợp, cho ăn 8 lần/ngày.

Ương cá hươngKhi cá được 21 ngày tuổi, phân cỡ và chuyển cá hương tới bể ương khác với mật độ 10 - 20 con/lít. Độ mặn giảm đến 20 - 25‰ và thay nước hàng ngày với tỷ lệ khoảng 80%. Sau 30 ngày, chuyển cá tới ao hay lồng để ương tiếp theo. Có thể ương cá trong ao đất có diện tích 20 - 50 m2, sâu 0,8 - 1 m hoặc ương trong lồng với kích cỡ lồng thích hợp từ  (2x2x1) m đến (5x2x1) m, mắt lưới 1 mm. Thức ăn chủ yếu là cá xay hay thức ăn nhân tạo với lượng cho ăn hàng ngày 8 - 10% trọng lượng cơ thể. Cá được 45 ngày tuổi sẽ đạt trọng lượng khoảng 10 g, có thể đem đi nuôi thịt.

Tài liệu tham khảo

Kỹ thuật nuôi Cá chẽm

Đặc điểm sinh học Cá chẽm - Lates calcarifer
  1. Công nghệ sản xuất giống cá chẽm (Cá vược)
  2. Đặc điểm sinh học và kỹ thuật nuôi cá chẽm
  3. Phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá chẽm nuôi thâm canh
  4. Kỹ thuật nuôi cá chẽm thương phẩm
  5. Kỹ thuật ương cá chẽm
  6. Hình ảnh một số bệnh thường gặp trên cá chẽm